Đưa người chăn nuôi tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, ngân sách. Bài toán chủ động phòng, chống dịch gia súc, gia cầm có hiệu quả vẫn chưa có lời giải..

Quá trình tổ chức phòng, chống dịch ở cơ sở đã cho thấy, ngoài sự thiếu đồng bộ và đang ở thế bị động thì còn thiếu một vấn đề lớn đó là vai trò, trách nhiệm của chính người chăn nuôi.

Tự giác đưa gia súc đi tiêm phòng định kỳ và tiêm bổ sung khi phát triển đàn là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh
Tự giác đưa gia súc đi tiêm phòng định kỳ và tiêm bổ sung khi phát triển đàn là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh

Hiện nay, loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ đang là hình thức chủ yếu và trong tương lai gần cũng chưa thể thay thế được. Chăn nuôi nhỏ lẻ giữ vị trí quan trọng trong kinh tế chăn nuôi và là một mắt xích quan trọng về an toàn sinh học nhưng cũng dễ phát sinh và làm dịch bệnh lây lan.

Sự tham gia của người chăn nuôi vào công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi vì, người chăn nuôi nhỏ lẻ đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khía cạnh của công tác khống chế dịch bệnh. Chính họ là người quyết định việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm của mình, cũng là người trực tiếp thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong suốt quá trình chăn nuôi, đồng thời là người đầu tiên phát hiện và xử lý số gia súc, gia cầm của mình bị ốm, chết; đó đều là những khâu chủ chốt trong công tác giám sát dịch bệnh.

Mặt khác, nếu để tình trạng dịch bệnh xẩy ra liên miên trong chăn nuôi nhỏ lẻ ở một vài hộ thì cho dù thiệt hạị không lớn nhưng mầm họa lại vô cùng lớn đối với chăn nuôi gia trại, trang trại và đặc biệt là đối với chăn nuôi tập trung.

Thực tế triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại một số địa phương cũng cho thấy, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự hợp tác, tham gia của người chăn nuôi nhỏ lẻ vào các chương trình phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ góp phần tăng hiệu quả công tác phòng, chống dịch và đảm bảo tính bền vững về kết quả của việc khống chế dịch bệnh bệnh đã đạt được.

Do đó, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các chương trình và chính sách cụ thể vừa mang tính khuyến khích, vừa mang tính ràng buộc sự tham gia của người chăn nuôi nhỏ lẻ vào các chương trình phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Muốn làm được việc này, Nhà nước cần thay đổi một cách có hệ thống về nhận thức và cách quản lý thông qua các tổ chức đoàn thể, hội chuyên ngành, hiệp hội... để vừa gắn trách nhiệm vừa làm cơ sở cho việc tuyên truyền, khuyến khích, lôi cuốn và ràng buộc họ tham gia vào công tác giám sát và phòng chống, dịch bệnh gia súc, gia cầm một cách hiệu quả và bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast