Những nhiêu khê, phiền hà ở Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh Hà Tĩnh

Không phải riêng tôi mà không ít bạn bè, đồng nghiệp từ ngày phải đến khám bệnh BHYT tại Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ (BVSKCB) Hà Tĩnh đều than phiền là nhiêu khê, phiền hà.

Tôi đã từng chứng kiến một cán bộ nữ bụng chửa vượt mặt khi đến khám bệnh ở đây phải đến 2 lần chạy lên các phòng khám tư nhân lấy cho được kết quả xét nghiệm, kết quả siêu âm đem về cho bác sỹ của Ban, mới được cấp thuốc.

Bệnh nhân diện bảo hiểm y tế chờ đăng ký khám bệnh (ảnh chỉ có tính minh họa)

Bệnh nhân diện bảo hiểm y tế chờ đăng ký khám bệnh

(ảnh chỉ có tính minh họa)

Ngày 14-8-2009, tôi bị tai nạn gập khuỷu cổ chân trái và chấn thương ở mắt cá chân. Sau khi bị tai nạn, tôi đến phòng khám Hữu Nghị chụp phim và đi lấy thuốc nam của lương y Nghị ở Nga Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) về uống. Chiều 17-8-2009, tôi nhờ người nhà đưa đến Ban BVSKCB để kiểm tra lại. Sau khi xem phim, BS Bùi Văn Bốn thấy hình ảnh không rõ ràng nên đã cấp giấy giới thiệu đến Bệnh viên Đa khoa Hà Tĩnh chụp lại Xquang.

Kết quả chụp Xquang cho thấy, khớp cổ chân của tôi bị trầy và xương mắt cá bị rạn nhiều chỗ. Bác sỹ Thắng - người trực tiếp khám cho tôi đề nghị nên vào viện bó bột cố định và điều trị. Tôi đề nghị bác sỹ cho bó bột và về nhà điều trị. Lúc đó sắp hết giờ làm việc buổi chiều nên bác sỹ Thắng giới thiệu tôi ra bó dịch vụ.

Chiều 31-8, tôi đến Ban BVSKCB xin chụp lại X.quang và bó bột lại. Sau khi tôi trình bày lý do, BS Tuấn bảo: "Trước anh bó ở đâu thì giờ đến đó làm lại". Tôi nói: "Hôm trước vì sắp hết giờ làm việc nên tôi phải làm dịch vụ, nay có thời gian tôi xin khám bảo hiểm". BS Tuấn hỏi: "Bây giờ anh cần gì? ". Tôi nói xin chụp lại X.quang, nếu chưa ổn thì xin bó lại. Dứt lời BS Tuấn viết giấy bảo tôi đến phòng khám Đồng Tâm chụp X.quang, sau đem kết quả về đây.

Tôi biết phòng khám Đồng Tâm chỉ chụp Xquang chứ không có dịch vụ bó bột nên đề nghị BS cho chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. BS Tuấn bảo không cần, anh cứ đến chụp ở Đồng Tâm là được. Theo giấy giới thiệu của BS Tuấn, tôi đến phòng khám Đồng Tâm chụp Xquang và được bác sỹ ở đây tư vấn: "Vết thương của anh đang dần ổn định, nên phải bó bột tiếp, nếu để thế này sẽ rất nguy hiểm". Tôi đem kết quả chụp Xquang về Ban BVSKCB. BS Tuấn xem phim xong giải thích một lúc về sự nguy hiểm của việc trầy khớp và rạn xương mắt cá rồi nói: "Bây giờ tôi cấp thuốc cho anh về uống".

Tôi nói với bác sỹ Tuấn, các bác sỹ ở phòng khám Đồng Tâm khuyên việc uống thuốc chưa cần bằng bó bột lại, cho nên đề nghị BS cho tôi đến BV Đa khoa bó bột. Bác sỹ Tuấn tỏ vẻ khó chịu: "Tôi chỉ được quyền cấp thuốc cho anh chứ không có quyền viết giấy chuyển viện".

Tôi nói: "Sao bác sĩ giới thiệu tôi đến phòng khám Đồng Tâm chụp Xquang được mà lại không giới thiệu lên BV đa khoa được?”. BS Tuấn gay gắt trả lời: "Tôi không có quyền" rồi bỏ phòng khám ra ngoài.

Tôi gọi điện cho BS Ninh - Trưởng ban BVSKCB kể lại mọi việc. BS Ninh nói qua điện thoại: "Hôm nay có bác sỹ Lê Anh Tuấn trực ban, anh cứ nói BS Tuấn viết giấy là được".

Tôi rời phòng khám ra gặp BS Tuấn ở hành lang và thưa rằng: "Tôi đã gọi điện cho BS Ninh, BS bảo anh cứ viết giấy cho tôi đến Bệnh viện Đa khoa, có gì anh điện lại cho BS Ninh". Đáp lại lời bệnh nhân là một câu cộc lốc: "Tôi là bác sỹ khám bệnh, không có quyền viết giấy chuyển viện". Nói xong BS Tuấn lấy xe máy rời khỏi phòng trực lúc 16h15’. Không còn cách nào khác tôi phải tìm đến dịch vụ.

Qua sự việc này cho thấy, ở Ban BVSKCB tỉnh có điều gì không ổn. Một BS trẻ, thấy rõ bệnh tình của bệnh nhân lại tỏ thái độ thiếu thiện chí và bỏ đi khỏi cơ quan trong giờ hành chính là điều không thể chấp nhận đối với người thầy thuốc.

Bên cạnh đó, do cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu các phương tiện KCB hiện đại nên Ban phải giới thiệu bệnh nhân đi khám ở các cơ sở khác rồi quay trở về lấy thuốc là rất phiền hà, nhiêu khê cho người bệnh. Có nhiều dịch vụ bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh như xét nghiệm sinh hóa, siêu âm 4 màu v.v...

Đa số cán bộ có BHYT thuộc diện của Ban quản lý mong muốn được đăng ký nơi KCB ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện Đa khoa thành phố để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast