Giai đoạn "ấm áp" của quan hệ Mỹ - Ấn

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Joe Biden được cho là sẽ thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước trên cả lĩnh vực kinh tế và quân sự.

Ngày 22/7, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu chuyến công du châu Á với điểm dừng chân đầu tiên là Ấn Độ. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ được đánh giá là một phần nỗ lực của Mỹ trong kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương.

Sau nhiều thập kỷ hỗ trợ mạnh mẽ cho “đối thủ” của Ấn Độ là Pakistan, Mỹ đang cố gắng để “thắp lửa” cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đặc biệt là ở lĩnh vực thương mại và quân sự.

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra chỉ 1 tháng sau chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry tới New Delhi để thảo luận về biến đổi khí hậu và chính sách ngoại giao giữa hai nước.

Theo kế hoạch, ông Biden sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo hàng đầu Ấn Độ, gồm Thủ tướng Manmohan Singh và Tổng thống Pranab Mukherjee trước khi đến thủ đô tài chính Mumbai.

Trong hai ngày ở Ấn độ, hai bên sẽ bàn về mối quan tâm của Mỹ đối với nền kinh tế Ấn Độ và mở cửa đầu tư cho doanh nghiệp hai nước.

Ấn Độ là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất ở châu Á, với lợi thế là dân số đông và nền kinh tế tự do, đất nước này ngày càng có sức hút lớn hơn với các nhà đầu tư Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy nhiên, những vấn đề mà các công ty Mỹ phải đối mặt ở Ấn Độ là nạn tham nhũng, cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ chế chính sách chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Những tồn tại nêu trên dự kiến sẽ được Phó Tổng thống Biden đưa ra bàn thảo khi tới thăm trung tâm tài chính Mumbai.

Thủ tướng Manmohan Singh trong một bài phát biểu trước chuyến thăm của ông Biden đã thừa nhận nền kinh tế của Ấn Độ đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Ông Singh nói: “Chúng tôi cũng giống như hầu hết các quốc gia khác đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Tôi biết rằng, các doanh nghiệp hết sức lo ngại về sự sụt giảm kinh tế”.

Trong những tháng gần đây, đồng Rupee của Ấn Độ đã mất khoảng 9% giá trị so với đồng USD, lạm phát của Ấn Độ đang đứng ở mức gần 10% một năm.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Obama cho biết, ngoài việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, ông Biden cũng sẽ thực hiện sứ mệnh thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Theo đánh giá của giới phân tích, căng thẳng liên quan đến chủ quyền biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc gần đây chính là lý do kéo New Delhi và Washington lại gần nhau hơn, bởi Mỹ là quốc gia sẵn sàng giúp Ấn Độ cải thiện năng lực sản xuất vũ khí để đảm bảo an ninh quốc phòng./.

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast