Đàm phán hạt nhân Iran khó đạt được thỏa thuận cuối cùng

Giới quan sát cho rằng, rất khó để các bên có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót vì bất đồng hiện vẫn còn rất lớn.

Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) hôm nay (14/7) bước vào tuần làm việc nước rút nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng, hướng tới chấm dứt hàng thập kỷ căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, dù thời hạn chót 20/7 đang tới gần, song khoảng cách về lập trường giữa các bên vẫn còn khá lớn.

Một vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Ảnh: Reuters)
Một vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Ảnh: Reuters)

Ngày 13/7, các nhà ngoại giao Mỹ, Anh, Đức và Pháp đã có mặt tại thành phố Vienna (Áo) để tham gia một loạt cuộc gặp song phương và ba bên, trong nỗ lực thu hẹp những bất đồng cơ bản với Iran. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, cả Iran và phương Tây đều tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Phát biểu sau khi rời phòng họp, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Ngoại trưởng Đức Frank- Walter Steimeier dù đánh giá các cuộc thảo luận là hữu ích, song đều tỏ ra không chắc chắn về khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện với Iran. Ngoại trưởng Đức Steimeier đã bày tỏ hy vọng, các bên liên quan, đặc biệt là Iran sẽ tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại để đưa ra những quyết định quan trọng.

Ông Steimeier nói: “Giờ là lúc Iran phải quyết định hợp tác với cộng đồng quốc tế hay muốn tiếp tục chịu sự cô lập. Tôi hy vọng, những ngày còn lại sẽ được sử dụng để Iran thể hiện quyết tâm lớn hơn và để các bên đi tới một thỏa thuận toàn diện. Quyết định thuộc về người Iran”.

Lâu nay, phương Tây vẫn luôn cho rằng, Iran đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, bất chấp việc Iran nhiều lần khẳng định, chương trình hạt nhân của mình thuần túy vì mục đích hòa bình. Ngay trong phát biểu ngày hôm qua, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm theo đuổi đàm phán nhằm làm sáng tỏ bản chất chương trình hạt nhân của nước này và hy vọng các bên có thể đạt được những bước tiến hữu ích.

Ông Zarif nói: “Chúng tôi đang cố gắng tìm ra hướng đi nhằm lấp đầy những khoảng cách, thu hẹp bất đồng giữa các bên và nói đúng hơn là nỗ lực nhằm tìm ra con đường tốt nhất để giải quyết các vấn đề. Tất cả các bên đã thể hiện quyết tâm của mình bằng việc có mặt tại đây và điều quan trọng là cần phải biến quyết tâm thành hành động. Phái đoàn Iran đã sẵn sàng cho các cuộc làm việc tích cực trong 7 ngày cuối này nhằm đạt được một thỏa thuận đáp ứng được mong muốn của tất cả các bên”.

Theo thỏa thuận sơ bộ đạt được tại Geneva hồi cuối năm ngoái, Iran sẽ tạm ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi trong vòng 6 tháng để nhận được sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thỏa thuận cũng nêu rõ, đàm phán có thể kéo dài qua giai đoạn 6 tháng, tức là sau ngày 20/7 nếu các bên không đạt được sự nhất trí. Tuy nhiên, dường như đây là khả năng mà không bên nào mong muốn, bởi kéo dài đàm phán cũng đồng nghĩa với cơ hội chấm dứt những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ càng trở nên khó khăn hơn.

Chính vì thế, khi được hỏi về khả năng này, Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh, mục đích các cuộc họp hôm 13/7 là để “xem xét những giới hạn mà các bên có thể vượt qua”, đồng thời cho rằng, hiện còn quá sớm để nói về vấn đề gia hạn các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót là khó khăn, song không phải là không thể. Điều có ý nghĩa sống còn lúc này là phải đảm bảo được rằng, Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân và rằng chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, thời gian 7 ngày ít ỏi là rất khó để các bên có thể lấp đầy được những khoảng cách. Bởi bất đồng vẫn còn rất lớn về nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới khả năng làm giàu urani của Iran.

Theo Thu Hoài/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast