Ấm tình đồng đội

(Baohatinh.vn) - Những năm tháng của tuổi thanh xuân, họ sống và chiến đấu bên nhau trong mưa bom bão đạn. Trở về với thời bình, những con người đó vẫn luôn sát cánh cùng nhau, vun đắp nghĩa tình đồng đội.

Trong căn nhà tình nghĩa ở thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu (Lộc Hà), cựu TNXP Lưu Thị Đoàn đã sống một mình mấy chục năm nay. 17 tuổi, bà lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, bà và bạn bè cùng trang lứa đã chiến đấu với tinh thần quả cảm “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, một quyết tâm “tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không thể ngừng chảy ra chiến trường”. Trở về quê hương sau những năm tháng ở chiến trường, bà gặp người đàn ông ở làng bên rồi nên duyên chồng vợ. Những tưởng, cuộc sống của bà sẽ đơm hoa kết trái từ đây, thế nhưng, hôn nhân đứt gánh giữa đường. 30 năm trôi qua, bà sống cuộc đời côi cút, không chồng, không con.

am tinh dong doi

Một thời vào sinh ra tử, giờ họ cùng nhau thăm lại chiến trường xưa

May mắn hơn người đồng đội của mình, bà Phan Thị Nhì (cùng thôn) sau khi trở về quê hương đã có một gia đình yên ấm, chồng con đề huề. Cùng phận chị em phụ nữ, lại từng chiến đấu bên nhau những ngày tháng thanh xuân, bà Nhì hiểu được nỗi lòng của người đồng đội không may mắn như mình. Bát cơm, chén thuốc, bà Nhì vẫn thường xuyên qua lại động viên, chăm sóc bà Đoàn những lúc trái gió trở trời. Bà Đoàn xúc động: “Ốm đau bệnh tật thường xuyên, lại cô đơn, buồn tủi, nếu không có làng xóm, chị Nhì và các chị em ngày trước cùng đi TNXP ngày nào cũng ghé qua chăm sóc, đỡ đần, chắc tôi chẳng sống được đến ngày hôm nay. Căn nhà tuy bé nhỏ nhưng một mình tôi vào ra cũng trống trải, có các chị em đồng đội qua lại cũng thấy ấm lòng, là động lực để tôi sống vui, sống khỏe”.

Chăm sóc, động viên những đồng đội neo đơn, ốm đau bệnh tật là một trong rất nhiều cách để các cựu TNXP, cựu chiến binh thể hiện nghĩa tình với nhau. Cũng có những người có điều kiện kinh tế khá hơn đồng đội đã chọn cách như bà Đinh Thị Tý (xóm Khang, Thạch Kênh, Thạch Hà).

Bà Tý là một điển hình làm kinh tế sau khi trở về từ chiến trường. Từ hai bàn tay trắng, bà đã vào tận miền Nam tìm học nghề làm tăm, đũa tre rồi ra Thanh Hóa đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp kinh doanh của mình. Dường như những năm tháng “vào sinh ra tử” trên chiến trường đã rèn cho người đàn bà này một ý chí sắt đá, một bản lĩnh kiên cường. Qua bao gian nan, thử thách, đến nay, bà đã gây dựng cho con một cơ ngơi là HTX Dịch vụ thương mại Toàn Thắng (đóng tại xã Thạch Kênh) cùng nhiều xưởng sản xuất tại Thanh Hóa với doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Điều đáng nói là, xưởng sản xuất của bà đã tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương, trong đó, nhiều người là con em của đồng đội.

Bà Tý cho biết: “Tôi có được cuộc sống ngày hôm nay một phần cũng nhờ xương máu của những đồng đội đã ngã xuống. May mắn trở về lành lặn, lại có cơ ngơi như thế này, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là giúp đỡ con em của đồng đội mình. Nhiều cháu bị khuyết tật cơ thể, câm điếc bẩm sinh vẫn được chúng tôi nhận vào làm với công việc phù hợp và mức lương ổn định. Làm được gì để tri ân đồng đội đều là việc nên làm và phải làm”.

am tinh dong doi

Tạo việc làm cho con em cựu TNXP là cách để bà Đinh Thị Tý tri ân những đồng đội của mình.

Thời gian qua, hoạt động nghĩa tình đồng đội được các cấp chính quyền, cấp hội quan tâm thực hiện. Qua đó, các cấp hội cựu TNXP, hội cựu chiến binh đã trở thành “cầu nối”, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ những người đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ông Đào Văn Tinh – Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, hội đã vận động, quyên góp xây tặng 866 nhà tình nghĩa trị giá hơn 38 tỷ đồng; trao hơn 300 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1 tỷ đồng; hơn 4.000 suất quà cho cựu TNXP, thân nhân liệt sỹ… Bên cạnh đó, các hội viên thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau; giữ mối liên hệ để hỗ trợ công tác làm nhân chứng lịch sử. Nhiều câu chuyện cảm động về những người cựu chiến binh không quản khó khăn, gian khổ bao năm miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội càng minh chứng rõ nét cho nghĩa tình sâu nặng, sắt son của thế hệ cha anh đi trước”.

Những việc làm cao cả nêu trên không chỉ là nguồn động viên, khích lệ, thể hiện nghĩa tình đồng đội mà còn cho thấy tấm lòng, sự tri ân đối với những người một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast