Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011

Ngày 30/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011.

Ưu tiên hàng đầu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã nghe một số thành viên Chính phủ trình bày về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị quyết số 18/NQ-CP năm 2010; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện quy chế làm việc năm 2010 và chương trình công tác năm 2011 của Chính phủ; kiểm điểm tình hình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành năm 2010 và phương hướng, giải pháp cho năm 2011.

Về công tác quản lý, điều hành, kiểm soát giá cả, hàng hóa năm 2011, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nêu rõ: Năm 2011 phải thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu dự hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu dự hội nghị

Về giải pháp chính sách tài khóa: điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ thông qua các biện pháp quản lý thu chi ngân sách; sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; tăng cường kiểm soát chi từ ngân sách Nhà nước (NSNN).

Về quản lý, điều tiết giá cả: đổi mới cơ chế quản lý giá theo thị trường; chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong ngoài nước; chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, trước mắt, trong dịp trước, trong và sau Tết Tân Mão 2011, giữ bình ổn giá các mặt hàng điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí, nước sạch, cước vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không..., các dịch vụ y tế, giáo dục, giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá.

Thực hiện lộ trình giá thị trường phải được gắn kết chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hóa, phấn đấu giảm chi phí sản xuất, đi đôi các cơ chế, chính sách trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách; tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá; triển khai các biện pháp cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra thiếu hàng, ''sốt'' giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm soát thị trường, thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá...

Ðối với giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh vào kiềm chế lạm phát ở mức thấp ngay từ những tháng đầu năm (sáu tháng đầu năm, CPI ở dưới 3,5%), phấn đấu cả năm CPI không vượt quá 7% theo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra; chỉ đạo các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn theo mức ''trần'' 14%/năm và giảm dần theo xu hướng lạm phát; kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, giá vàng biến động phù hợp giá vàng thế giới và không có đột biến, kiểm soát tỷ giá biến động thấp hơn mức lạm phát kỳ vọng, tăng cung ngoại tệ, giảm cầu ngoại tệ nhưng trong năm 2010 cùng với chống đầu cơ và găm giữ ngoại tệ; bảo đảm cân đối cung - cầu vốn thị trường; giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh của từng tổ chức tín dụng; nâng cao tần suất và chất lượng công tác truyền thông của các cơ quan Chính phủ về chính sách tiền tệ, tài khóa...

Ðể thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2011 đạt 10%, kiểm soát nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu, Bộ Công thương đã kiến nghị một số nhóm giải pháp đối với các bộ, ngành, tập trung vào: hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, nâng cao chất lượng công tác dự báo; triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính - tiền tệ để giảm lãi suất trong quý I-2011 xuống mức hợp lý, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; bổ sung nguồn vốn cho tín dụng xuất khẩu với lãi suất ưu đãi; tăng cường năng lực sản xuất...

Trình bày về những điểm quan trọng trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2011, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu nhất quán, ưu tiên hàng đầu cho năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Ðể đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng nêu khái quát một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng gồm:

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ðiều hành chính sách tiền tệ hết sức chủ động, linh hoạt, thận trọng. Ðiều hành lãi suất, tỷ giá, sử dụng các công cụ của NHNN, bảo đảm kiềm chế lạm phát, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế, nhưng phải bảo đảm cung ứng vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường kiểm soát giá cả, kể cả kiểm soát giá hàng nhập khẩu, tránh đầu cơ, gây tâm lý bất ổn, xáo động thị trường. Ðây không phải là biện pháp đi ngược các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà phù hợp thông lệ quốc tế. Bảo đảm cân đối hàng hóa nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, chống buôn lậu, làm tốt hơn nữa kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu. Kiểm soát nhập khẩu thông qua các biện pháp thuế và phi thuế quan để hạn chế những mặt hàng xa xỉ, chưa cần thiết. Khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''.

Tăng cường giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ chi tiêu NSNN. Phấn đấu năm 2011 giảm bội chi NSNN xuống còn mức 5,3% GDP. Ðối với khoản chi trong NSNN, các bộ, ngành, địa phương rà soát, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, có khả năng hoàn thành trong năm 2011 và 2012, hạn chế khởi công những dự án chưa cần thiết hoặc không đủ khả năng sớm hoàn thành. Ưu tiên vốn cho các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, cho các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.

Từ nay đến Tết, sử dụng Quỹ bình ổn giá để giữ ổn định giá xăng, dầu. Giá than cung cấp cho điện, giấy, xi-măng vẫn còn thấp hơn giá thành. Chính phủ chủ trương điều chỉnh giá theo quy luật kinh tế thị trường, vì vậy, các bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư... nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp để hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc diện khó khăn, chính sách sử dụng các mặt hàng này.

Tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Rà soát danh mục đầu tư trong và ngoài nước, xem lại tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường của các dự án đầu tư. Ðẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm dần nhập khẩu nguyên phụ liệu. Phát triển toàn diện nông nghiệp nhưng phải tính đến chuyển đổi cơ cấu hợp lý theo hướng giữ nguyên hoặc giảm trồng trọt, nhưng phải tăng chất lượng, năng suất, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến nền sản xuất hàng hóa lớn. Thu hút mọi nguồn lực của xã hội trong đầu tư phát triển. Ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Rà soát chiến lược đầu tư phát triển đất nước để tạo ra hiệu quả lớn nhất về năng suất, chất lượng, môi trường, xã hội.

Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, tiếp cận nguồn vốn, đất đai... để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục CPH một cách thận trọng các doanh nghiệp nhà nước, tránh thất thoát nhưng phải khẩn trương.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đào tạo nghề; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để có được nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Quan tâm lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tiếp tục cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường quản lý sử dụng đất đai, tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ trên xuống dưới trong công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011.

Hôm nay (31/12), hội nghị tiếp tục làm việc.

Nguồn: Nhandan.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast