Nhiều công ty thuỷ nông trở thành... "chúa Chổm"!

Đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10 năm 2010 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh. Các đơn vị thủy nông đã huy động nguồn lực để khắc phục khẩn cấp các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hệ quả của việc thiếu kinh phí kéo dài không chỉ khiến cho nhiều đơn vị trở thành "chúa Chổm" mà nhiều hệ thống công trình thủy lợi đang có nguy cơ mất an toàn...

Thiếu kinh phí sửa chữa công trình:

"Chúa Chổm là tôi"!

Tìm hiểu tại 3 Công ty TNHH MTV Thủy lợi lớn trên địa bàn là Kẻ Gỗ, Linh Cảm và Can Lộc, chúng tôi nhận thấy những điểm chung: Thiệt hại sau trận lũ lụt tháng 10/2010 rất lớn và món nợ không nhỏ từ việc sửa chữa, khắc phục hậu quả của nó đang là mối lo thường trực của ban lãnh đạo.

Theo số liệu chính thức, tổng thiệt hại do lũ lụt của 3 đơn vị trên lên đến 37,1 tỷ đồng, trong đó: Kẻ Gỗ 9,1 tỷ đồng, Linh Cảm 11 tỷ đồng và Can Lộc là 17 tỷ đồng. Thực hiện QĐ số 3115 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc sửa chữa, khắc phục các công trình bị thiệt hại do bão lụt năm 2010, 3 đơn vị trên đã thực hiện hết 14,2 tỷ, trong đó: Kẻ Gỗ 3,4 tỷ đồng, Linh Cảm 6,3 tỷ đồng và Can Lộc 4,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay kinh phí trên mới chỉ cấp cho: Can Lộc 1,5 tỷ đồng; Kẻ Gỗ 1 tỷ đồng và Linh Cảm là 1,2 tỷ đồng.

Thiếu kinh phí nên tuyến kênh chính Linh Cảm đoạn km16+800 và đoạn km 21+900 tạm đắp đất để kịp tưới sản xuất đông xuân
Thiếu kinh phí nên tuyến kênh chính Linh Cảm đoạn km16+800 và đoạn km 21+900 tạm đắp đất để kịp tưới sản xuất đông xuân

Theo lãnh đạo 3 đơn vị, số tiền bỏ ra để sửa chữa, khắc phục nhằm kịp phục vụ sản xuất so với những thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với những công trình thủy lợi là chẳng thấm vào đâu nhưng đối với từng đơn vị lại là rất lớn.

Trong lúc khẩn cấp, không thể đừng, nhiều đơn vị đã phải chạy vay từ nhiều nguồn, những tưởng nay mai sẽ có tiền hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước để lấp trả. Thế nhưng, đã hết tháng 3/2011, kinh phí cấp cho công tác khắc phục hậu quả lại quá ít ỏi và không biết đến bao giờ mới được cấp tiếp khiến cho những đơn vị này lâm vào cảnh nợ nần, có đơn vị đã phải chậm lương công nhân, lấy tiền phúc lợi nhỏ nhoi để trả bớt nợ nần khi bị đòi riết. Lãnh đạo một đơn vị thuỷ nông ở Hà Tĩnh đã phải thốt lên: "Chúa Chổm là tôi"!

Các công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn

Qua tìm hiểu được biết, các đơn vị trên đã có văn bản đề xuất nhiều lần và các đoàn kiểm tra các cấp cũng đã "mục sở thị" nhưng đến nay vẫn không có kinh phí để những đơn vị trên tiếp tục sửa chữa các công trình hư hỏng đang phải đắp tạm bằng đất.

"Chúng tôi đã không thể cố gắng thêm được nữa. Nhất thiết phải có kinh phí để sửa chữa kịp thời những công trình thủy lợi, nếu không thì không chỉ thiếu nước cho hàng ngàn ha đất sản xuất vụ hè thu tới mà nhiều hạng mục công trình thủy lợi còn có nguy cơ mất an toàn cao khi mùa mưa đến, tốn kém sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với hiện nay…", lãnh đạo một đơn vị, bộc bạch.

Theo khảo sát sơ bộ, các công trình thủy lợi thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Kẻ Gỗ còn có một số hạng mục cần tiếp tục sửa chữa để đảm bảo an toàn công trình và cấp nước phục vụ sản xuất như: móng Hàm Rồng, móng Khe Chiện, móng Rào Cái, một số cống tiêu và tràn trên kênh N1...

Đối với Công ty TNHH MTV Linh Cảm, hiện kênh chính Linh Cảm đoạn từ km16 - km25 mới đắp đất tạm thời. Còn theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc thì đơn vị này đang cần đến 11 tỷ mới sửa chữa, khắc phục hết những kênh mương, công trình thủy lợi hư hỏng do lũ lụt năm 2010.

Tình trạng trên nếu để kéo dài tất gây hậu quả lớn. Các cấp, ngành liên quan của Hà Tĩnh cần tổ chức kiểm tra, đánh giá để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp thuỷ nông trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast