Thực hư chuyện ma thuốc độc?

Chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, ho… tất cả đều do ma thuốc độc. Xung quanh câu chuyện này đang tồn tại một số niềm tin mù quáng hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe người dân.

Về thôn 5, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) hỏi về chuyện ma thuốc độc thì không một người dân nào từ chối. Họ đều say sưa kể những câu chuyện xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Tuyên, một người vừa đi làm đồng về, tình cờ chúng tôi gặp giữa đường cho biết: Ma thuốc độc ấy à, cả làng này đều bị. Nhưng nặng nhất là có chị Tùng. Nghe nói trước đó chị có ăn thịt chó. Khi bị, chị đi ngoài nhiều, kiệt sức. Chị Tùng gửi áo vào Kỳ Anh xem, người ta bảo là mắc thuốc độc nặng. Lấy thuốc về uống, sau một thời gian thì chị đã khỏe lại”. Bà Tuyên còn cho biết thêm, trước đây, mới một vài người bị, người dân trong làng đều nghi ngờ cho một người có quê ở Kỳ Anh lấy chồng về đây bỏ. Nhưng giờ thì cả làng đều bị, kể cả con chị ấy cũng bị. Nhà tui cũng có 2 đứa cháu bị. Vào Kỳ anh lấy thuốc, thầy nói là bây giờ người ta không cần phải bỏ mà chỉ cần thoa giữa mặt hay đu ở người một cái là bị mắc. Mà trẻ con như cháu nhà tôi thì nó chạy đi chơi lung tung nên biết nghi ngờ cho ai…

Trên đường đi tìm nhà Bí thư xóm, chắc đoán ra ý đồ của chúng tôi nên có hai người phụ nữ đang ngồi trong nhà chủ động mời chúng tôi vào nói chuyện. Họ mở lời: "Các dì về hỏi chuyện ma thuốc độc phải không. Ngồi đây rồi tí nữa tui gọi chị này sang là biết rất rõ”.

Hỏi ra mới biết chị tên Hường. Chị Hường lấy máy điện thoại gọi cho người chị vừa giới thiệu nhưng chị ấy bảo là đang có việc ở xa. Chị Hường nói: “Chị Hằng có hai đứa bị mắc thuốc độc. Hôm trước chị tức quá nên đã vào nhà chị Q. (người bị nghi ngờ bỏ thuốc độc) ở một ngày để tìm hiểu ngọn ngành. Dì cứ chờ chị ấy về hỏi thì biết mọi chuyện. Chị ấy biết nhiều lắm!”.

Sau chuyện chị Hằng, chị Hường lại sôi nổi kể về chuyện nhà mình. Cách đây khoảng 1 tuần, đứa con 6 tháng tuổi của chị cũng bị mắc ma thuốc độc. Tôi hỏi về triệu chứng của nó, chị bảo: Nó sổ mũi, khóc nhè, lười ăn, giống ta cảm cúm ấy. Đầu tiên, tôi gửi áo nhờ người mang vào thầy xem hộ thì bị mắc. Lấy thuốc về uống cháu vẫn không lành. Tôi lại trực tiếp đưa cháu vào, lần này thì lành.

Con gái đã khỏe nhưng chị Hường vẫn tiếp tục dùng thuốc giải ma thuốc độc để tắm cho con hàng ngày
Con gái đã khỏe nhưng chị Hường vẫn tiếp tục dùng thuốc giải ma thuốc độc để tắm cho con hàng ngày

Chúng tôi gạn hỏi về chuyện ai bỏ thuốc độc, không ngần ngại, chị Hường kể về lại lịch người đó cho chúng tôi nghe. Chính là chị Q, người mà bà Tuyên bảo là có con cũng bị mắc thuốc độc ấy và cũng chính là người mà chị Hằng đã vào nhà ở một ngày để tìm hiểu nguyên nhân ngọn ngành. Chị Q. quê ở Kỳ Anh, về làm dâu thôn 5 cũng đã được mấy năm. Chị làm ruộng và chạy xe công nông cùng chồng. Câu chuyện chúng tôi chưa dứt thì có một người phụ nữ trên xe công nông xuống hỏi chị Hường mua đá. Chị bảo: “Hết đá, không còn”. Chị lại hỏi mua kem, cũng được câu trả lời cộc lộc: “Hết, không còn”.

Thì ra, đấy chính là chị Q. Vì là chị Q. nên chị Hường không bán. Chị Hường còn bảo với chúng tôi: “May mà con tui nó ăn, nói, nhởi lại, nếu không tui đến nhà tui cào mặt nó ra chứ tui không tha đâu”.

Thầy thuốc Nhân dân Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chuyện về ma thuốc độc không có cơ sở mà chỉ là do người dân quá mê tín. Về phía ngành Y tế, Sở đã có nhiều công văn chỉ đạo về vấn đề này. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện vấn đề này trên địa bàn mà trước đây cũng đã nhiều lần xuất hiện, thường vào những thời điểm giao mùa như thế này. Vừa rồi, Sở cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở và kết luận là không có ma thuốc độc mà do người dân mắc các bệnh giao mùa, do nắng nóng đột ngột như cảm nắng, suy nhược cơ thể (do thiếu nước và muối), đau bụng, viêm họng…Đặc biệt, Sở đã phối hợp với Kỳ Anh kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở bốc thuốc ma thuốc độc; đã có văn bản làm việc và đóng cửa các cơ sở này. Tuy nhiên, để xử lý triệt, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết đối với những đối tượng hành nghề mờ ám này, đồng thời, cần có những phát hiện và báo cáo với cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý.

Chị Hường còn mang thuốc giải ma thuốc độc ra cho chúng tôi xem, chỉ có một vốc gỗ được bào, thêm vào cây hương, giấy bùa. Hiện con chị đã mạnh khỏe nhưng chị Hường vẫn lấy thứ thuốc ấy nấu lên để con chị tắm cho mát?!.

Trông bà Dì của chị Hường ngồi tham gia câu chuyện với chúng tôi từ nãy giờ có vẻ mệt mỏi, tôi hỏi: “Liệu dì có bị mắc thuốc độc không?” Bà trả lời: “Tui định đi vào Kỳ Anh lấy thuốc mấy bữa rồi nhưng chưa đi được. Chắc vài bữa nữa cũng phải vào lấy thôi chứ mệt lắm, cứ thấy lười ăn và uể oải trong người”…

Mang tất cả những câu chuyện của người dân kể đến gặp Bí thư xóm, ông Lê Quang Cảnh cho biết: “Thực hư câu chuyện này thế nào chúng tôi không rõ nên chúng tôi cũng không dám nói với người dân là có hay không. Nhưng sau khi người dân ồn ào quá mạnh chúng tôi đã đi đến tận tất cả các hộ để tìm hiểu cụ thể. Hầu hết những người bị mắc có các biểu hiện: đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, ho, buồn nôn, đi ngoài…Còn hình thức để biết bệnh thì người dân gửi áo hoặc trực tiếp vào thầy ở Kỳ Anh khám và bốc thuốc. Có người uống một, vài chén khỏi; có người phải đến 3,4 chén.

Nhưng thực tế cũng có trường hợp có người gửi hai áo một lần đi xem nhưng có cái thì nói là bị mắc, còn có cái thì không; có người gửi áo đi xem bảo là mắc nhưng không uống thuốc cũng lành. Nhà tui có đứa con gái học lớp 9, nó bị ho, buồn nôn, trong làng ai cũng bảo bị mắc thuốc độc nhưng nó không uống thuốc gì cả cũng tự khỏi”.

Nói về trường hợp bị nghi ngờ bỏ thuốc độc, Bí thư thôn cho biết: Sau khi có lời đồn đại, nghi ngờ, trực tiếp bố chồng chị Q. đã đến gặp tôi và đề nghị làm rõ vấn đề này. Ông nói: “Nếu xóm làm rõ được việc đúng chị Q. bỏ thuốc độc thì chính tay ông sẽ chặt 3, chặt 4 con dâu. Còn nếu không có chứng cứ cụ thể thì không được đối xứ oan nghiệt với con dâu tui như thế”.

Sau lời đề nghị ấy, xóm 5 đã có một cuộc họp, chị Q. đã lấy chồng, con ra để thề là chị không hề bỏ thuốc độc. Tuy nhiên, sự ghẻ lạnh của bà con đối với chị vẫn không thay đổi.

Bí thư thôn Lê Quang Cảnh băn khoăn: Thực tế chúng tôi cũng không biết giải thích với dân như thế nào vì không có cái gì là cụ thể cả. Về việc chị Q. chúng tôi cũng không dám khẳng định với dân là chị không bỏ thuốc độc mà chị cảnh báo với họ là cảnh giác với sức khỏe của mình. Chúng tôi mong rằng, ngành chuyên môn cần có chứng minh cụ thể để trả lời cho người dân. Đặc biệt, cần có quản lý, kiểm nghiệm về chất lượng thuốc, nơi mà người dân thường tới lấy để có khuyến cáo với người dân chứ như tôi tìm hiểu thấy rằng loại thuốc giải thuốc độc mà người dân đang uống bấy lâu uống vào rất mệt, mệt vài ba ngày mới khỏe lại. Vì vậy, tôi thấy rất lo ngại.

Chuyện về ma thuốc độc còn lan rộng ở nhiều miền quê khác như Cẩm Duệ, Cẩm Bình, Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên). Một số vùng quê ở Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hương Khê cũng xuất hiện vấn đề này. Qua nắm bắt tình hình của chúng tôi, có một điểm chung nhất đó là ma thuốc độc chỉ tồn tại sau những lũy tre làng, nơi dân trí còn thấp và được nhân ra theo những câu chuyện đồn thổi, thiếu hiểu biết. Chẳng hạn như gần đây nhất, ở Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) có bé gái 14 tuổi bị mất, người dân cho là bị ma thuốc độc nhưng ngành chức năng vào cuộc thì đã có kết luận là em chết do bệnh máu trắng…

Và điều chúng tôi lo ngại nhất là cho đến nay vẫn còn rất nhiều người dân tin tưởng tuyệt đối về vấn đề này. Để thay cho lời kết, tôi xin kể về một câu chuyện mà tôi đã chứng kiến cách đây chưa lâu. Chỉ vì tin vào ma thuốc độc mà suýt nữa người mẹ đã đánh mất tính mạng của con gái mình. Chị là Nguyễn Thị Cương, quê ở Kỳ Sơn (Kỳ Anh). Con gái chị Cương thường kêu khó chịu ở bụng nhưng nhà có nhiều ổi nên chị cứ tưởng nó ăn ổi rồi khó chịu. Một hôm, tự nhiên nó khó thở, chỉ ngồi thôi chứ không nằm được. Chị thấy vậy cứ nghĩ là nó mắc thuốc độc nên đi lấy một liều thuốc giải độc 200 ngàn đồng ở ông Phong (Kỳ Anh) về cho nó uống. Sau khi uống thuốc, con gái chị đi ngoài liên tục và kêu đau rát dữ dội ở phần bụng nhưng chị vẫn không đưa cháu đi bệnh viện vì thầy( thầy giải thuốc độc) dặn là uống thuốc ấy phải kiêng lạnh nên để cháu ở nhà chứ không dám đưa cháu đi. Cho đến khi cháu lả người không còn sức chịu đựng chị mới hoảng hốt. Đưa cháu xuống bệnh viện huyện Kỳ Anh thì được lệnh chuyển ngay lên tuyến tỉnh. Cháu bị suy thận cấp, hôn mê mấy ngày liền trong tình trạng nguy kịch. May mắn cháu đã được các bác sỹ ở bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu sống. Tuy nhiên, theo bác sỹ điều trị, với mức độ bệnh tình như thế thì đấy là trường hợp được cứu sống hy hữu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast