Không quân chiến lược Mỹ hiện tại và tương lai

Các biện pháp Lầu Năm Góc đang thực hiện để nâng cấp Không quân chiến lược không đủ mạnh để đáp ứng đầy đủ các thách thức hiện hữu

Quá khứ và hiện tại

Đầu thập niên 1980-90, Không quân chiến lược Mỹ có hơn 400 máy bay các loại, phần lớn là máy bay ném bom Boeing B-52H Stratofortress, sau đó, được bổ sung 100 máy bay Rockwell B-1B Lancer và 20 chiếc máy bay tàng hình Northrop Grumman B-2A Spirit. Sau Chiến tranh Lạnh, việc giảm kinh phí, sự xuất hiện máy bay mới, việc loại biên các “pháo đài bay” B-52H lỗi thời và các yếu tố khác đã dẫn đến việc giảm dần số lượng máy bay ném bom tầm xa.

Không quân chiến lược Mỹ hiện tại và tương lai

B-52 hiện đại hóa dự kiến sẽ còn tiếp tục phục vụ trong Không quân chiến lược Mỹ; Nguồn: wikipedia.org

Trong những thập kỷ gần đây, việc phát triển của Không quân chiến lược Mỹ đã phải đối mặt với một số vấn đề. Hiện tại, theo các nguồn thông tin mở, Không quân Mỹ vận hành 74 máy bay ném bom B-52H (đã qua quá trình hiện đại hóa); số lượng B-1B mới hơn cho đến nay đã giảm xuống còn 59 chiếc; mới nhất và nhỏ nhất là B-2A - chỉ có 19 chiếc. Như vậy, tổng số máy bay Không quân chiến lược Mỹ có khoảng 150 chiếc.

Trong đó, không phải toàn bộ đội máy bay phù hợp cho việc sử dụng và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu - một phần đang được hay cần bảo trì hoặc sửa chữa. Vì vậy, năm ngoái đã có báo cáo cho biết, chỉ có 6 chiếc B-1B ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu; số còn lại cần sửa chữa và phục hồi. Tuy nhiên, với các loại máy bay ném bom tầm xa khác, tình hình khả quan hơn.

Kế hoạch cho tương lai

Lầu Năm Góc đã tính đến các vấn đề của không quân và áp dụng một số biện pháp nhất định - mua máy bay hoàn toàn mới, nâng cấp các mẫu hiện có và loại biên những máy bay không còn phù hợp. Theo kế hoạch hiện tại, thực trạng Không quân chiến lược sẽ bắt đầu thay đổi đáng kể sau vài năm. Tuy nhiên, theo một số dự đoán, các biện pháp như vậy có thể không đủ để giải quyết tất cả các vấn đề hiện hữu.

Vào cuối tháng 2, Phó Tham mưu trưởng Không quân phụ trách kế hoạch - Trung tướng David Naom - đã công bố kế hoạch mới cho việc phát triển máy bay ném bom. Trong trung hạn, có kế hoạch chỉ loại B-52H ra khỏi đội máy bay hiện có; nâng cấp bằng cách cài đặt thiết bị mới; vấn đề tái tạo cũng đang được thảo luận một lần nữa để tăng hiệu quả và các tính năng chiến-kỹ thuật.

Theo chương trình hiện đại hóa mới, trong biên chế sẽ có 78 máy bay; B-52H sẽ giữ vị trí máy bay ném bom tầm xa lớn nhất của Mỹ. Giới chức Không quân Mỹ cho rằng tuổi thọ của các “pháo đài bay” sẽ tăng trở lại và một số máy bay sẽ tồn tại cho đến những năm 2060 - tròn 100 năm. Đội máy bay B-1B sẽ giảm dần - dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2021 dự kiến sẽ xóa sổ 17 máy bay này - có thể là những máy trong tình trạng tồi tệ nhất và không thể phục hồi.

Không quân chiến lược Mỹ hiện tại và tương lai

Hai chiếc B-1B được các tiêm kích cơ hộ tống; Nguồn: asiatimes.com

Trong những năm tiếp theo, sẽ tiếp tục giảm, và không muộn hơn đầu năm 2030, tất cả B-1B sẽ bị loại biên. Máy bay ném bom B-2A tinh tế sẽ vẫn hoạt động cho đến đầu thập kỷ tới, nhưng việc hiện đại hóa theo chương trình DMS-M sẽ bị dừng. Hoạt động của B-2A dự kiến sẽ không gặp phải các vấn đề như với B-1B. Tại thời điểm này, Không quân có kế hoạch tiếp nhận chiếc máy bay Raider B-21 mới của Northrop Grumman để thay thế B-2A.

Năm 2025, máy bay ném bom B-21 tầm xa mới sẽ được đưa vào sử dụng. Đến cuối thập kỷ, các phi đội B-21 đầu tiên sẽ ở trạng thái sẵn sàng hoạt động. Trong tương lai, số lượng B-21 sẽ tăng lên và các mẫu lỗi thời sẽ bị loại biên. Con số chính xác được lên kế hoạch cho việc mua B-21 vẫn chưa rõ, trước đây, từng ước tính lên tới 140-150 chiếc, nhưng sau đó, một con số khác đã được nhắc đến.

Các biện pháp không đủ mạnh

Thực trạng hiện tại của Không quân chiến lược Mỹ không thật sáng sủa. Một phần máy bay không đáp ứng mong muốn của giới quân sự, và vấn đề này thường xuyên được nêu ra ở các cấp độ khác nhau. Phương pháp để giải quyết nó cũng được đề xuất, tuy nhiên, không phải tất cả các đề xuất và chương trình mới đều nhận được sự ủng hộ, bị chỉ trích rất nhiều.

Ngày 12/3/2020, Defense News đã đăng một bài của Tướng John Michael Law - cựu Tham mưu trưởng Không quân - đề cập đến các cuộc xung đột cục bộ trong thời gian gần đây và các cuộc chiến giả định trong tương lai. Ông lưu ý rằng, trong mọi trường hợp, máy bay ném bom tầm xa có tầm quan trọng rất to lớn. Số máy bay ném bom chiến lược hiện có không đủ để thực hiện hiệu quả tất cả các nhiệm vụ đặt ra.

Không quân chiến lược Mỹ hiện tại và tương lai

Chiếc B-2A đang thả bom rải thảm; Nguồn: nl.gta5-mods.com

M. Law nhớ lại trong chiến dịch “Tự do bền vững” (2001-2014), không quân tầm xa chỉ chiếm 20% số lần xuất kích và 76% số bom đạn được sử dụng (tính theo trọng lượng). Ngoài ra, một số nhiệm vụ, chẳng hạn như tấn công các mục tiêu tầm xa có sử dụng vũ khí hạt nhân, chỉ có máy bay ném bom chiến lược mới có thể làm được. Do đó, bất chấp mọi thay đổi của những thập kỷ gần đây, Không quân chiến lược vẫn là thành phần quan trọng nhất của Không quân với các nhiệm vụ và khả năng đặc biệt.

Để phát triển nó cần thực hiện mọi nỗ lực, nhưng các kế hoạch hiện tại không đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tình hình. M. Law chỉ ra rằng, một thập kỷ mới bắt đầu với tình trạng thiếu máy bay ném bom và yêu cầu cho năm tài chính 2021 sẽ không thể cải thiện tình hình. Cần phải tăng chi tiêu cho việc phát triển không quân tầm xa, nhưng Quốc hội phân bổ tiền cho các mục tiêu khác.

Từ ba còn một loại

Hiện tại, một bức tranh rất thú vị được quan sát thấy trong Không quân chiến lược của Không quân Mỹ. Trong hơn 150 máy bay thuộc ba loại và độ tuổi khác nhau, máy bay già cỗi nhất bắt đầu phục vụ vào đầu những năm 1960 và những chiếc mới nhất - năm 2000. Nhưng không phải tất cả các máy bay đều ở trạng thái sẵn sàng và có thể xuất kích chiến đấu. Theo các ước tính khác nhau, không quá 100 chiếc có thể hoạt động thực sự.

Không quân chiến lược Mỹ hiện tại và tương lai

B-21 - xương sống của Không quân chiến lược Mỹ trong tương lai; Nguồn: fighterjetsworld.com

Một loại máy bay ném bom mới đang được phát triển, trong tương lai xa, sẽ phải thay thế hai loại máy bay cùng một lúc. Theo kết quả của kế hoạch này, Không quân Mỹ sẽ chỉ vận hành B-52H cũ đã qua một quá trình hiện đại hóa sâu khác và B-21 mới nhất. Tùy thuộc vào số lượng mua, cường kích tàng hình B-21 sẽ có thể trở thành xương sống của đội máy bay ném bom chiến lược. Tuy nhiên, việc thực hiện tất cả các kế hoạch trên đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Những chiếc B-21 đầu tiên dự kiến xuất hiện trong năm 2025-27 và một số lượng khá lớn sẽ xuất hiện sau đó. Việc hiện đại hóa B-52H, cũng như việc loại biên B-1B lỗi thời khỏi Không quân hoặc từ bỏ B-2A dự kiến cũng cần có thời gian. Do đó, trong những năm tới, các quá trình phát triển Không quân chiến lược sẽ được chú ý, nhưng những thay đổi mạnh mẽ khó thành hiện thực trong tương lai gần.

Trong những năm qua, ở nhiều cấp độ khác nhau, sự cần thiết phát triển hàng không tầm xa đã được đề cập đến, nhưng cho đến nay, chưa gải quyết được thực trạng - chỉ có 150 máy bay còn hoạt động, mà một phần đáng kể trong số đó không thể giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu. Lầu Năm Góc đang thực hiện các biện pháp để nâng cấp Không quan tầm xa, nhưng không phải tất cả các biện pháp đủ mạnh và kịp thời - điều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chiến đấu thực tế của lực lượng răn đe chiến lược này./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast