Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, được xã hội đồng tình cao.

Chiều 8/2, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Nghi Xuân. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng dự.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở Nghi Xuân

Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Lê Anh Dũng cùng chủ trì buổi làm việc.

Toàn huyện Nghi Xuân có 49 trường học (3 trường THPT; 45 trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS công lập; 1 trường mầm non tư thục); 1 trung tâm GDTX-GDNN; 13 nhóm trẻ độc lập. Cơ sở vật chất các trường học và hệ thống các phòng hiệu bộ cơ bản đảm bảo yêu cầu dạy học với 705 phòng học.

Trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, huyện Nghi Xuân đã ban hành một số nghị quyết về công tác giáo dục, đồng thời chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện triển khai tuyên truyền đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị trong đội ngũ nhà giáo, vai trò của từng trường, từng cán bộ quản lý giáo dục, từng giáo viên, nhân viên được khẳng định và phát huy, tạo được niềm tin đối với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở Nghi Xuân

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân Đinh Thị Lan Hương: Tỷ lệ định biên giáo viên tiểu học chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; giáo viên cấp THCS thừa thiếu cục bộ; vẫn còn tình trạng dạy chéo môn ở một số đơn vị trường học.

Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2022 của huyện là 155,869 tỷ đồng, trong đó: 152,095 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương; 37,774 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa. Quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, giáo dục Nghi Xuân và đạt được những kết quả tích cực.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở Nghi Xuân

Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng đề nghị: Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cần có chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo đảm bảo lâu dài; cần tăng lương cho giáo viên, có chế độ thâm niên cho các nhà giáo công tác tại Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT đã có thời gian giảng dạy tại cơ sở...

Việc bồi dưỡng đội ngũ kịp thời, lựa chọn sách giáo khoa đúng quy định. 100% giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đến nay, toàn huyện có 86,8% giáo viên tiểu học và 93,4% trung học cơ sở đã đạt chuẩn.

Cơ sở vật chất các trường học được các cấp ủy đảng chính quyền quan tâm đầu tư. Hầu hết trường học đã phối hợp tốt, tiến hành vận động, tiếp nhận tài trợ 14,5 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa các hạng mục nhằm làm cho trường lớp ngày càng xanh - sạch - đẹp và an toàn hơn.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở Nghi Xuân

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ: Thời gian tới, huyện Nghi Xuân cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền một cách sâu rộng, hiệu quả hơn về công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Trong 3 năm (2020 - 2023), huyện đã tuyển dụng được 86 giáo viên tiểu học, trong đó có 74 giáo viên văn hóa, 8 giáo viên tin học, 4 giáo viên thể dục nhằm phần nào đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày.

Các hoạt động đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá được đẩy mạnh theo tinh thần chương trình phổ thông 2018. Qua đó, ý thức và tinh thần đổi mới trong cán bộ giáo viên đã được phát huy; chất lượng giáo dục có chuyển biến tốt, nhận được sự đồng thuận của xã hội với chủ trương đổi mới giáo dục ngày càng cao.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn 1 số khó khăn nhất định như: Do dịch bệnh COVID-19 nên giáo viên không được tập huấn trực tiếp, có thời gian các trường phải nghỉ học hoặc học trực tuyến; một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho trường học, kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông còn hạn chế; đội ngũ giáo viên thiếu, nhất là giáo viên văn hóa tiểu học, giáo viên tin học...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận sự cố gắng, tích cực của huyện Nghi Xuân trong thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở Nghi Xuân

Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại buổi làm việc

Đề nghị huyện bổ sung, hoàn thiện báo cáo làm cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp báo cáo Quốc hội. Trong đó, tập trung vào các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ nhà giáo… nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội.

Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có các cuộc giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội tại Trường THCS Cương Gián, Trường Tiểu học thị trấn Tiên Điền và Trường THPT Nguyễn Công Trứ.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở Nghi Xuân

Đoàn đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của các nhà trường. Đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng, Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ và chuyển tới các cấp, ngành chức năng để xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở Nghi Xuân

Đoàn tiến hành giám sát tại Trường THCS xã Cương Gián.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast