Bài học từ nuôi chồn nhung đen

Bỏ ra hơn 70 triệu đồng chi phí ban đầu, sau hơn 1 năm, anh chỉ thu về 20 triệu đồng và cho đến hiện tại thì người nhận hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng đã... “bốc hơi”. Đó là câu chuyện của anh Trần Chí Dũng (xóm Yên Bình, Quang Lộc, Can Lộc) khi tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen.

Do tình cờ biết đến chồn nhung đen và “hiệu quả” kinh tế của loại động vật lạ này, tháng 9/2012, anh Dũng lặn lội đến nhiều địa phương ở Nghệ An học tập mô hình làm giàu mới này. Với quyết tâm và hy vọng làm giàu ngay trên quê hương mình, sau khi tìm hiểu và gặp gỡ với ông Đoàn Việt Đức – anh trai ông Đoàn Việt Châu, chủ trang trại mô hình nuôi chồn nhung đen ở xã Dân Hạ (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), anh vay vốn ngân hàng và người thân để đầu tư nuôi chồn nhung đen.

Nhìn qua thì chồn nhung đen khá giống chuột
Nhìn qua thì chồn nhung đen khá giống chuột

Anh Dũng đã mua 15 cặp chồn giống với giá 4 triệu đồng/cặp. Tổng số vốn đầu tư ban đầu hơn 70 triệu đồng, bao gồm mua giống 60 triệu đồng, hơn 10 triệu đồng làm chuồng trại, chưa kể chi phí thức ăn. Theo hợp đồng ký kết giữa các bên thì ông Châu sẽ mua lại chồn thương phẩm với giá 1 triệu đồng/con. Nếu phát triển tốt, 1 con chồn mẹ mỗi năm sinh sản 4 lứa, mỗi lứa trung bình 3 con. Cũng theo hợp đồng, ông Châu thu 500 nghìn đồng/chồn mẹ/lứa sinh trên 3 con. Như vậy, từ 15 cặp chồn giống ban đầu, theo tính toán người nuôi sẽ thu 180 triệu đồng từ bán chồn thương phẩm, trừ 30 triệu đồng “tiền sinh đẻ” của chồn mẹ thì mỗi năm cũng dễ dàng đút túi 150 triệu đồng.

Khi mô hình của anh Dũng ra đời và bước đầu có vẻ “xuôi chèo, mát mái”, nhiều người dân trong xã đã đến học hỏi. Theo đó, có 6 hộ ở Quang Lộc cũng tham gia nuôi chồn nhung đen. Thậm chí, nhiều người từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn, Thạch Hà… đến học hỏi. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, khi những lứa chồn thương phẩm đầu tiên trưởng thành và có thể bán thì anh Dũng cũng lờ mờ nhận ra những bất ổn của mô hình này. Bởi, khi đến mua chồn thương phẩm, người của ông Châu thường kiếm lý do để không mua chồn khuyết tật, chồn nhỏ quá hay to quá. Đầu năm 2013 thì tổng số chồn nhung đen của anh Dũng đã lên đến hơn 100 con, nhưng người của ông Châu chỉ mua 2 lần 20 con kèm theo lời hứa “lần sau”. Đến tháng 5/2013 thì họ “bốc hơi” luôn. Số chồn còn lại, gia đình anh đành phải làm thịt ăn dần, cho hàng xóm… và một số ít thì bán với giá 100-200 nghìn đồng/con.

Anh Dũng là một trong nhiều hộ dân đang “dở khóc, dở mếu” vì chồn nhung đen.
Anh Dũng là một trong nhiều hộ dân đang “dở khóc, dở mếu” vì chồn nhung đen.

Cùng chung cảnh ngộ, 6 hộ dân ở xã Quang Lộc rơi vào cảnh “dở khóc, dở mếu”. Khốn khổ hơn, gia đình chị Ngô Thị Vệ vay mượn tiền mua 10 cặp chồn giống sinh sản được mấy chục con nhưng chỉ bán được 1 con.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thông qua trang trại của ông Đoàn Việt Châu, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh ta cũng tham gia nuôi hàng trăm con chồn nhung đen. Điển hình như chị Tuyết ở Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) nuôi 70 cặp; gia đình chị Thư (Tiến Lộc) nuôi 30 đôi, còn những hộ nuôi 10-12 đôi thì không đếm xuể. Và, những hộ này đang rơi vào cảnh “ăn không hết, bán không xong”.

Trong bản hợp đồng tham gia mô hình chăn nuôi chồn nhung đen của ông Đoàn Việt Châu với các chủ hộ có nhiều điểm khá bất thường. Cụ thể, hợp đồng ông Châu cũng ký với tư cách là cá nhân chứ không phải đại diện cho một tổ chức hay công ty nào. Hay “Không cho phép người chăn nuôi nhân đàn, nhân giống. Cho phép người chăn nuôi được thực hiện nuôi chồn sinh sản là 2 năm 4 tháng. Sau thời hạn trên, bên B phải hủy bỏ đàn chồn đang nuôi làm thực phẩm, nếu không tiêu thụ hết thì bán cho chủ mô hình với giá 500.000 đồng/cặp”. Điều đó có nghĩa, người tham gia mô hình không được nhân giống, chỉ có chồn giống của ông Châu mới được phép sinh sản và sau 28 tháng thì phải làm thịt để mua con giống mới của ông Châu. Khi người dân thắc mắc thì ông Châu lý giải cho điều khoản buồn cười này là để tạo thói quen ăn thịt chồn cho người dân? Hoặc “ … Mua chồn sinh sản theo cặp (1 cặp gồm 1 cái, 1 đực), không được nhân đàn, nhân giống, không được mua chồn ngoài đưa vào mô hình và ngược lại không được đưa chồn trong mô hình ra ngoài…”.

Đã là chồn nhung đen thì trong hay ngoài có khác gì nhau? Nếu vì mục đích giúp người dân làm giàu thì sao lại có sự phân biệt? Thậm chí là kìm hãm sự nhân rộng mô hình của người dân. Có những dấu hiệu bộc lộ “chăn nuôi đa cấp” và độc quyền của cá nhân Đoàn Việt Châu như: “Khi chồn đẻ phải báo ngay cho bên A về số con đẻ và số lượng chồn con để bên A cử cán bộ đến làm thủ tục xác nhận, quản lý chồn con. Nếu không khai báo thì bên A sẽ từ chối thu mua chồn con và đưa người chăn nuôi đó ra khỏi mô hình”.

Bỏ ra hơn 70 triệu đồng, sau hơn 1 năm chỉ thu về 20 triệu đồng, đó là bài học đắt giá mà anh Trần Chí Dũng phải trả và đây không phải là trường hợp duy nhất vì rất nhiều hộ khác cũng đang rơi vào cảnh tương tự khi tham gia nuôi chồn nhung đen.

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ mô hình chăn nuôi chồn nhung đen, từ đó có những khuyến cáo cần thiết đối với người dân. Về phía người chăn nuôi, để đảm bảo an toàn, cần phải tìm hiểu kỹ các hình thức chăn nuôi, chú ý các điều khoản hợp đồng, tránh thua thiệt khi tham gia kinh doanh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast