Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Bắc - Thạch: Điểm tựa cho người dân thoát nghèo

(Baohatinh.vn) - Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) liên xã Bắc - Thạch đang trở thành “điểm tựa” cho người dân 2 xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh) phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Bắc - Thạch: Điểm tựa cho người dân thoát nghèo

Chỉ sau 2 năm vay vốn, tổng đàn bò của gia đình anh Trần Hậu Quý (thôn Đồng Vĩnh, xã Lưu Vĩnh Sơn) đã lên tới 40 con.

Trước đây, do khó khăn về nguồn vốn nên anh Trần Hậu Quý (thôn Đồng Vĩnh, Lưu Vĩnh Sơn) chỉ nuôi bò cỏ, giá trị mang lại không lớn. Năm 2019, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Quỹ TDND liên xã Bắc - Thạch, cộng với một số tiền huy động từ anh em, bạn bè để đầu tư nuôi bò lai Thái.

Chỉ sau 2 năm, tổng đàn bò của gia đình anh Quý đã lên tới 40 con, giúp cải thiện nguồn thu nhập, nâng cao đời sống. "Vừa qua, 12 con bò được xuất bán mang về nguồn lãi 200 triệu đồng, nếu so sánh với bò cỏ, giá trị kinh tế từ bò lai Thái mang lại cao hơn gấp đôi. Nhờ số vốn từ quỹ tín dụng, tôi và nhiều bà con nông dân khác trong xã đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương...”, anh Quý chia sẻ.

Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Bắc - Thạch: Điểm tựa cho người dân thoát nghèo

Các nhà vườn trồng hoa đã giúp người dân thôn Xuân Sơn (Lưu Vĩnh Sơn) nâng cao thu nhập.

Cũng giống anh Quý, sau nhiều năm trồng đào phai và nhận thấy lợi ích kinh tế từ mô hình này mang lại, năm 2019, ông Hà Văn Bình (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn) đã quyết định vay 240 triệu đồng từ quỹ TDND liên xã Bắc - Thạch để mở rộng diện tích trồng từ 1ha lên 2,5 ha; mua 1.000 gốc giống và đầu tư hệ thống tưới tiêu, phân bón...

Theo tính toán của ông Bình, nếu trước đây, mỗi năm, doanh thu từ vườn đào mang lại dao động trong khoảng 50-70 triệu đồng thì kể từ khi vay vốn, phát triển mô hình, vụ tết năm 2020 và 2021, vườn đào của gia đình ông đã cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ đào phai của gia đình ông Bình cũng được mở rộng ra các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình.

Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Bắc - Thạch: Điểm tựa cho người dân thoát nghèo

Người dân đến làm hồ sơ vay vốn tại quỹ.

Quỹ TDND liên xã Bắc – Thạch tiền thân là quỹ TDND xã Bắc Sơn, được thành lập vào tháng 7/2004. Năm 2016, quỹ “nới” rộng địa bàn hoạt động, tạo điều kiện cho người dân xã Thạch Xuân làm giàu chính đáng. Tháng 4/2018, quỹ tiếp tục “kết nạp" thêm xã Thạch Vĩnh, mở ra cơ hội vay vốn cho nhiều hộ gia đình và cũng trong thời gian này, quỹ chính thức được đổi tên thành quỹ TDND liên xã Bắc - Thạch.

Hiện, quỹ có 3 điểm giao dịch gồm trụ sở chính được đặt tại thôn Đồng Vĩnh (xã Lưu Vĩnh Sơn) và 2 chi nhánh ở thôn Vĩnh Trung (xã Lưu Vĩnh Sơn), thôn Tân Thanh (Thạch Xuân).

Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Bắc - Thạch: Điểm tựa cho người dân thoát nghèo

Cán bộ quỹ tín dụng giải quyết thủ tục vay vốn cho khách hàng.

Với cách thức hoạt động nhanh gọn, sau khi người dân đến quỹ làm thủ tục vay vốn, cán bộ tín dụng sẽ nhanh chóng thẩm định và hoàn tất quy trình cho vay trong thời gian nhanh nhất. Người dân có thể vay tối đa với số vốn 1,1 tỷ đồng (tùy tài sản thế chấp), thay vì 100 - 200 triệu đồng như trước.

Đây không chỉ là thành công của việc mở rộng địa bàn theo hướng có lợi cho đôi bên, điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp mà còn thể hiện chiến lược kinh doanh linh hoạt, năng động của quỹ.

Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Bắc - Thạch: Điểm tựa cho người dân thoát nghèo

Quỹ TDNN liên xã Bắc – Thạch kết hợp cùng ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Coopbank) phát hành thẻ cho khách hàng.

Giám đốc Quỹ TDND liên xã Bắc – Thạch Trần Thị Văn cho biết: “Hiện, quỹ có gần 2.000 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động trên 170 tỷ đồng, dư nợ cho vay gần 150 tỷ đồng, huy động tiền gửi 155 tỷ đồng.

Kể từ khi thành lập đến nay, bên cạnh việc tạo dựng được lòng tin cho người dân, hoạt động của quỹ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong công tác tín dụng. Bởi vậy, 17 năm qua, chúng tôi chưa phải xử lý bất cứ trường hợp nợ xấu nào. Niềm hạnh phúc của chúng tôi là được chứng kiến hàng nghìn gia đình mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng từ việc tiếp cận nguồn vốn ngay tại địa phương”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast