Nhà văn Đức Ban: “Tự thấy trách nhiệm ngòi bút của mình nặng nề hơn”

(Baohatinh.vn) - Năm 2016, cụm tác phẩm: Trăng vỡ (Tiểu thuyết) và Đêm thức (Tập truyện ngắn) của nhà văn Đức Ban được nhận Giải thưởng Nhà nước. Đây là phần thưởng cao quý khẳng định những cống hiến của nhà văn cho đời sống xã hội, cũng là niềm tự hào của giới hoạt động văn hóa, văn nghệ Hà Tĩnh.

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) được trao 5 năm một lần cho các tác phẩm VHNT có giá trị xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Hà Tĩnh có cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng nhà văn Đức Ban.

nha van duc ban tu thay trach nhiem ngoi but cua minh nang ne hon

P.V: Trước tiên xin được chúc mừng nhà văn Đức Ban đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Nhà văn Đức Ban: Cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của Báo Hà Tĩnh.

P.V: Thưa Nhà văn Đức Ban! Tác phẩm nghệ thuật luôn phản chiếu hiện thực khách quan. Vậy, trong hệ thống tác phẩm của mình, đâu là mảng hiện thực ông dành nhiều thời gian, tâm huyết để tư duy, sáng tạo?

Nhà văn Đức Ban: Mỗi nhà văn có một mảnh đất riêng. Nói cách khác, mỗi nhà văn có những mảng hiện thực quen thuộc của mình. Nông thôn và chiến tranh cách mạng là 2 mảng hiện thực gắn bó với cuộc đời lao động sáng tạo của tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn. 25 năm, ngoài mấy năm học cấp ba trên phố huyện, còn thì chẳng mấy khi tôi ra khỏi làng. Sắc thái thiên nhiên, phong vị bùn đất, cây cỏ, bố mẹ, anh em, bà con xóm làng đã nuôi dưỡng tôi. Bố mẹ tôi, bà con xóm làng của tôi là những người nông dân thực thụ, thuần phác, kiên cường trong đánh giặc, cần cù, chịu thương chịu khó từ trong nhà ra ngoài đồng, đầy lý tưởng và đặc biệt giàu tính hài hước và có biệt tài kể chuyện dân gian. Mọi thứ ở làng quê, dính dáng đến làng quê đều trở thành trải nghiệm thiết thân của tôi, có ý vị sâu xa với tôi.

Viết về nông thôn, với tôi là kể chuyện của những người gần gũi, thân thiết của mình, là kể chuyện của mình.

Mảng đề tài thứ hai tôi dành nhiều trang viết về nó là chiến tranh và hậu chiến. Thế hệ cầm bút chúng tôi không ai không viết về chiến tranh. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là cảm hứng sáng tạo của một thời cho những người cầm bút. Vì độc lập, tự do của dân tộc, nhà văn giấu đi, cho mờ đi những đau thương, mất mát. Nhưng rồi sau ngày chiến thắng, thời hậu chiến, những người anh hùng từ chiến trường trở về đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, thiệt thòi trong cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần, họ đã phải đấu tranh với thế giới chung quanh, với chính mình để giữ vững ý chí, phẩm giá con người. Tôi cùng thế hệ với những con người từ chiến trường trở về ấy. Tôi trải biết hoàn cảnh sống, nỗi day dứt nhân thế, những khát vọng yêu thương và dựng xây của những người cùng thế hệ. Tính cách, tâm hồn họ thật gần gũi với tôi. Tất cả trở thành cảm hứng, thành đề tài, thành mẫu hình cho hệ thống nhân vật trong tác phẩm của tôi.

P.V: Đọc tác phẩm của ông, tôi nhận thấy bút pháp đã có nhiều thay đổi, nhất là từ tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất”. Vì sao phải thay đổi và sự thay đổi ấy diễn ra thế nào, thưa ông?

Nhà văn Đức Ban: Luôn đổi mới, không lặp lại mình là yêu cầu thiết thân với mỗi nhà văn. Tôi luôn lòng dặn lòng, phải vượt được chính mình, phải thay đổi những thói quen nghề nghiệp, phải xem xét lại những chuẩn mực giá trị và làm mới nó và nghĩ tới những giá trị khác ngoài mình…

Cuộc sống không theo một lối mòn vạch sẵn, nó vận động cho những lợi ích mới của xã hội, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì đã có, nó thay đổi thói quen, nhận thức, tư duy, tình cảm... để đạt được các giá trị mới. Từ năm 2010, tôi bắt đầu làm tập truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất với tâm nguyện và quyết tâm đổi khác, trong phản ảnh hiện thực, trong phổ cập số phận con người, trong giọng điệu, trong diễn đạt, trong cấu trúc…

nha van duc ban tu thay trach nhiem ngoi but cua minh nang ne hon

Nhà văn Đức Ban

P.V: Trở lại câu chuyện về giải thưởng. Được biết, các tác phẩm phải qua 3 hội đồng xét chọn, bỏ phiếu: Hội đồng cơ sở, Hội đồng chuyên ngành Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước; số phiếu phải trên 90%. Ngoài tác phẩm, quá trình công tác, hệ thống tác phẩm đã xuất bản có được tính đến không thưa ông?

Nhà văn Đức Ban: Tôi không rõ. Chỉ biết là trong hồ sơ dự giải thưởng, 2 nội dung ấy cũng phải khai rất kỹ.

P.V: Cảm xúc của Nhà văn khi nhận quyết định Giải thưởng của Chủ tịch nước là như thế nào?

Nhà văn Đức Ban: Nửa thế kỷ hoạt động văn hóa, văn nghệ và viết văn; viết trong chiến tranh, viết trong hòa bình, những trang viết của tôi đã hướng tới sự đồng cảm, sẻ chia cùng những nỗi niềm của con người với mong mỏi khôn nguôi xây dựng niềm tin, khát vọng cho con người, xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp.

Giải thưởng là một ghi nhận của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp sáng tạo VHNT của tôi. Xúc động lắm! Và mừng vui. Và tự thấy trách nhiệm ngòi bút của mình trước cuộc sống càng nặng nề hơn.

Nhân đây, tôi xin cảm ơn những người thân thích, bè bạn và bạn đọc, những người nhiệt tình, khắt khe và bao dung với văn chương của tôi đã giúp tôi vui buồn, sướng khổ, thủy chung cùng con chữ suốt bao nhiêu năm qua.

P.V: Xin cảm ơn nhà văn Đức Ban! Chúc ông có thêm nhiều tác phẩm hay để xứng đáng với phần thưởng cao quý của Nhà nước và đáp ứng với sự chờ đợi của bạn đọc!

Tác phẩm đã xuất bản:

- Đã xuất bản 18 đầu sách gồm: Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Truyện vừa, Truyện Thiếu nhi, Kịch bản sân khấu;

Giải thưởng chính:

- 1 Giải A, 1 Giải B - Giải thưởng Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

- 4 Giải A, 1 Giải B, 1 Giải C - Giải thưởng VHNT Nguyễn Du của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh và tỉnh Hà Tĩnh.

- Giải B Truyện ngắn Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam

- Giải Khuyến khích Truyện ngắn - Thế giới mới...

- Giải thưởng Nhà nước về VHNT (năm 2016).

(Thực hiện)

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast