Việt Nam trước lựa chọn mô hình giám sát tài chính

Khủng hoảng tài chính là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai đối với bất kỳ một hệ thống tài chính nào, và đây là thách thức với Việt Nam trước sự lựa chọn mô hình quản lý và giám sát tài chính khả thi.

Xu thế giám sát hệ thống tài chính trên thế giới

Thông thường trên thế giới có 5 mô hình giám sát tài chính như: Mô hình giám sát chuyên ngành, mô hình giám sát mục tiêu (chóp đôi), mô hình giám sát hỗn hợp (bán hợp nhất), mô hình giám sát chức năng kinh doanh và mô hình giám sát hợp nhất. Việt Nam đang áp dụng mô hình giám sát theo chuyên ngành. Do vậy, các ngành bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán đều có cơ quan giám sát riêng bên cạnh cơ quan chịu trách nhiệm về ổn định vĩ mô.

Việt Nam tiến tới chuyển đổi sang mô hình giám sát hợp nhất trong dài hạn là hợp lý
Việt Nam tiến tới chuyển đổi sang mô hình giám sát hợp nhất trong dài hạn là hợp lý

Ở một số nước áp dụng mô hình này trên thế giới rất coi trọng đến hành vi kinh doanh bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa thực sự có một cơ quan chịu trách nhiệm về ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chưa thể hiện được vai trò của mình.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây có thể là một nguyên nhân lý giải Việt Nam có xu hướng di chuyển từ mô hình giám sát chuyên ngành sang mô hình giám sát hợp nhất. Bởi, những ưu điểm của mô hình giám sát hợp nhất khắc phục những tồn tại của hệ thống tài chính Việt Nam. Cụ thể, trong khi chưa có cơ quan giám sát các tập đoàn tài chính thì mô hình giám sát hợp nhất giúp giải quyết được vấn đề này, bởi ưu điểm vượt trội là khả năng tăng cường giám sát các tập đoàn tài chính.

Không chỉ ở Việt Nam, mới đây các nước trên thế giới cũng có xu hướng dịch chuyển sang mô hình giám sát hợp nhất. Ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, mô hình giám sát hợp nhất đang trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Mô hình này có một cơ quan giám sát toàn bộ hệ thống tài chính, trong đó vai trò ổn định vĩ mô của ngân hàng trung ương rất quan trọng. Một số nước đang áp dụng mô hình này như: Columbia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Singapore…

Qua khảo sát 211 nước ở thời điểm năm 2006 của ông Cấn Văn Lực và 2 giáo sư thuộc Trường Đại học Havard cho thấy, nếu như tại thời điểm những năm 1981-1983, chỉ có 1-2 nước theo mô hình giám sát hợp nhất, thì 10 năm sau con số này là 12 nước, 20 năm sau con số này là 25 nước và đến thời điểm năm 2006 con số này là 44 nước, chiếm khoảng 21%, còn lại là giám sát hỗn hợp 57 nước, chiếm 27%, 110 nước giám sát theo chuyên ngành, chiếm 52%. Ở quy mô khảo sát nhỏ hơn với 98 nước vào năm 2011, tức là sau 5 năm, thì mô hình giám sát hợp nhất chiếm 31%.

Điều kiện nào để theo mô hình hợp nhất

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam tiến tới chuyển đổi sang mô hình giám sát hợp nhất trong dài hạn là hợp lý, bởi Việt Nam đáp ứng đủ 4 điều kiện để áp dụng mô hình này: Thứ nhất, quy mô hệ thống tài chính nhỏ; Thứ hai, mức độ tập trung của hệ thống tài chính cao, tài sản của 4 ngân hàng TMCP nhà nước chiếm 45% tổng tài sản của toàn hệ thống, quy mô tài sản của hệ thống ngân hàng chiếm hơn 80% quy mô thị trường tài chính; Thứ ba, Việt Nam có xu hướng hình thành các tập đoàn tài chính; Thứ tư, Việt Nam có mức độ chuyển đổi/tự do hóa tài chính rất nhanh.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam chưa có cơ quan giám sát các tập đoàn tài chính thì việc áp dụng mô hình hợp nhất giúp chúng ta giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị, nếu theo mô hình giám sát hợp nhất, Việt Nam cần cân nhắc các yếu tố: mục tiêu rõ ràng và luật chi phối, tính độc lập và trách nhiệm giải trình, các nguồn lực, việc thực thi hiệu quả, tính toàn diện của quản lý và giám sát, hiệu quả về mặt chi phí, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, xây dựng cơ chế xử lý khủng hoảng.

“Trung Quốc khá thận trọng khi tiếp cận vấn đề này. Họ đã nghiên cứu rất sâu trong vòng 6 năm từ thời điểm bắt đầu là năm 2010. 2 năm đầu cải thiện tình hình giám sát hệ thống tài chính, 4 năm tiếp sau thành lập hội đồng điều phối giám sát tài chính, giống Ủy ban Giám sát tài chính của Việt Nam với vai trò điều phối, sau đó Trung Quốc nghiên cứu tiếp để chuyển đổi hội đồng này thành cơ quan giám sát tài chính hợp nhất” - ông Cấn Văn Lực chia sẻ.

Theo VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast