Thời tiết “ẩm ương”, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh “khuyên” gì để phòng trừ dịch hại cây trồng?

(Baohatinh.vn) - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, một số đối tượng dịch bệnh hiện đang phát sinh, gây hại có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây trồng vụ Xuân năm 2021.

Thời tiết “ẩm ương”, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh “khuyên” gì để phòng trừ dịch hại cây trồng?

Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khuyến nghị UBND cấp huyện phân công cán bộ trực tiếp hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tổ chức phòng trừ dịch hại cây trồng kịp thời, hiệu quả.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, hiện nay, trên cây lúa, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên các giống Thái Xuyên 111, Bắc Hương 9, VTNA6, P6, Xi23..., tỷ lệ bệnh trung bình 2 - 3%, nơi cao 5 - 7%, diện tích nhiễm 33ha, nhiễm nặng 0,1ha, tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh...;

Trên cây lạc, bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng phát sinh gây hại, tỷ lệ bệnh 0,5 - 1%, nơi cao 2 - 3%, diện tích nhiễm 2ha tại các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Vũ Quang.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết từ nay đến cuối tháng 3/2021 có 3 - 4 đợt không khí lạnh với cường độ nhẹ gây mưa rải rác, ẩm độ cao, nhiệt độ trung bình 21 - 23 độ C, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, nguy cơ lây lan trên diện rộng và gây cháy cục bộ một số diện tích, nhất là trên các giống nhiễm như: P6, Xi23, Thái Xuyên 111, VTNA6...

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã phân công cán bộ bám sát cơ sở, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo, tổ chức phòng trừ các đối tượng dịch hại cây trồng.

Trước mắt, cần tiến hành kiểm tra, rà soát các giống, các vùng nhiễm bệnh đạo ôn, khoanh vùng và tổ chức phòng trừ để hạn chế nguồn bệnh lây lan.

Đối với các vùng có nguy cơ bệnh phát sinh gây hại cần cảnh báo và hướng dẫn phun phòng, khuyến cáo sử dụng một trong những loại thuốc hóa học sau: Beam 75WP, Stamonas 45WP, Fukasu 42WP, Kasoto 200SC, Fuji one 40WP, Filia 525 SE, Ninja 35SE, Flash 75WP, Kabim 30WP, Sako 20WP,…

Duy trì chế độ nước thích hợp tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát huy hiệu lực của thuốc trừ bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ để chủ động các biện pháp phòng trừ.

Đối với bệnh lỡ cổ rễ gốc mốc trắng, mốc đen hại lạc, tổ chức phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong những loại thuốc như: Vida 5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Tilt super 300ND…

Sở NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương thành lập các đoàn công tác chỉ đạo phòng trừ dịch hại cây trồng vụ Xuân, phân công cán bộ trực tiếp hỗ trợ cơ sở, bà con nông dân tổ chức phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast