Trinh sát đặc nhiệm cực mạnh: Nga ra đòn sớm, bất ngờ!

Trinh sát đặc nhiệm nhảy dù vào vùng chiến, trinh sát, lặng lẽ bắt cóc những “cái lưỡi” là các sĩ quan đối phương để khai thác tin tức… nay đã trở thành chuyện trong quá khứ.

Những bài báo gần đây cho thấy, lực lượng trinh sát đặc nhiệm Nga, cùng lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ FSB, "Alpha", "Vympel" Spetsnaz"… của nước này được trang bị ngày càng hiện đại, được huấn luyện ngày càng chuyên sâu, có nhiều bài "tác chiến" đi thẳng vào ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Chịu đựng gian khổ, sức bền dẻo dai, vượt mọi địa hình, nắm địch cặn kẽ… vốn là đòi hỏi rất cao của dân "đặc nhiệm". Họ thường được trang bị vũ khí cá nhân và các phương tiện đặc biệt tốt, tinh xảo và công năng cao trong mọi hoàn cảnh, đảm bảo khả năng cơ động bất thần.

trinh sat dac nhiem cuc manh nga ra don som bat ngo

Trinh sát đặc nhiệm Nga huấn luyện rất khắc nghiệt.

Vũ khí công năng cao, gọn nhẹ

Lính đặc nhiệm cần loại súng gọn nhẹ, hoả lực mạnh mà chính xác, dễ dàng tấn công các tòa nhà, trên máy bay, tàu hỏa và xe buýt, nhảy dù tới vùng xa lạ, tác chiến rừng rậm, thậm chí dưới nước và đầm lầy.

Tiểu liên AK-400 được chế tạo dành cho lực lượng đặc nhiệm có chiều dài 940mm, nặng hơn 3kg, có chế độ bắn đặc biệt là "điểm xạ" chùm, một "nháy" cò, mặc nhiên đủ 3 viên đạn lao về phía mục tiêu.

Báng súng có thể kéo dài, rút ngắn, gập sang bên trong tíc tắc, để gọn nhẹ tối thiểu, sử dụng trong xe hoặc giấu trong áo khoác. Tiểu liên mới này lắp bộ ray đặc biệt, cho phép đặt các ống ngắm bắn tỉa, tay cầm ( kiểu valy), gắn đèn chiếu và thước ngắm laser, báo số đo cự ly…

Nó còn gắn nòng phóng lựu giảm thanh 30mm BS-1 hiệu quả trong phạm vi 100-150 m, có thể phá tấm thép dày 10mm kèm bộ phận giảm thanh PBS-1 hình trụ chia thành các khoang dập âm, không tạo ra tia lửa và chớp sáng. Có tin, mới đây Nga có loại súng phóng lựu BS-1M cự ly hiệu quả tới 400 m, tuy nhiên lính đặc nhiệm ít tình huống ở cự ly này.

Khi phá vây, lính đặc nhiệm Nga có lựu đạn định hướng, nhỏ như trái ổi mà sức huỷ diệt cao cùng lựu đạn khói có thể phun khói đen mù mịt trong tích tắc, trong một vùng bán kính rộng hàng chục mét, để họ có thể thoát ra, khi đối phương không biết đằng nào mà lần.

Các vũ khí khác như dao, súng ám sát, phi tiêu và phương tiện hẹn giờ, thu tin cũng được hiện đại hoá.

Đặc biệt các phương tiện thu tin của trinh sát đặc nhiệm đã số hoá cao, nghe, nhìn hoá và truyền dữ liệu liên tục, sau đó tự huỷ. Số giờ thám sát của chúng rất cao, nhờ nguỵ trang tốt và có pin bền, sử dụng cả tháng liền.

trinh sat dac nhiem cuc manh nga ra don som bat ngo

Trinh sát đặc nhiệm thuộc Bộ Quốc phòng Nga diễn tập cùng xe bọc thép Typhoon.

Phương tiện cơ động việt dã, an toàn

Mới nhất là xe bọc thép đặc chủng "Typhoon-K" và "Typhoon-U" 6 bánh đã trải qua thử nghiệm rất khắc nghiệt, chuyên dùng trong biên chế tiểu đoàn đặc nhiệm.

Đặc biệt nó có vỏ thép cứng, cấu trúc gầm xe vát góc nhọn, nên chịu được đạn bắn thẳng cỡ 14,5mm! Rất khá! Nó còn chịu sức công phá của khối mìn có lượng nổ tương đương 8kg TNT. Chả thế chúng được giới quân sự đánh giá nằm trong 10 xe bọc thép chở quân kháng mìn tốt nhất thế giới.

Mới đây, báo "Sao Đỏ" của Quân đội Nga đưa tin, nhà máy "Chechenavto" vừa tiết lộ loại xe việt dã mới, rất phù hợp cho trang bị nhóm nhỏ lính đặc nhiệm. Xe địa hình này có bộ giảm xóc rất đặc biệt, bộ truyền động hiệu quả, bộ treo chắc chắn, nên có thể leo qua các tảng đá, khúc cây đổ, đám lá mục dày, vượt được đầm lầy và vùng tuyết tan, trôi từng mảng.

Với tốc độ hơn 130 km/h, bán kính hoạt động 800 km, nhóm 3 người trinh sát đặc nhiệm Nga có thể chiến đấu, thám sát trong các khu rừng, các thị trấn vùng bán sơn địa, sau đó ngay lập tức rút nhanh.

Xe được trang bị một kho vũ khí như súng máy phòng không Kord 12,7mm và "Pecheneg", súng phóng lựu tự động AGS. Ngoài ra, nó có thể lắp giá phóng máy bay không người lái, cáng cứu thương.

trinh sat dac nhiem cuc manh nga ra don som bat ngo

Xe việt dã mới, rất phù hợp cho trang bị nhóm nhỏ lính đặc nhiệm Nga.

Hiện nay, các mẫu đầu tiên được kiểm tra tại Trung tâm Đào tạo lực lượng đặc biệt, dự kiến hoàn thành thử nghiệm trong nửa đầu năm 2017 để đưa vào tác chiến đô thị và trên sa mạc, cũng như vùng cực bắc, nơi không có đường xá. Xe địa hình đa năng này khiến ta nhớ đến một thời quân đội Liên Xô với các đơn vị xe "sít-đơ-ca" 3 bánh huyền thoại.

Từ đột nhập thẳng đứng và …dù bay

Nhảy dù đặc nhiệm vốn là ngón đòn bất thần của trinh sát đặc nhiệm nhiều nước, cho phép đổ xuống bí mật, thẳng đứng vào ngay vùng địch. Quân đội Nga giờ đây có loại dù đặc nhiệm, gắn thiết bị bay, lái hướng cho trinh sát rất hiệu nghiệm gọi là dù lai (dù hybrid), vừa thả, vừa lượn.

Nó có tên "Dalnolet" dạng như một hình elip, có cơ cấu treo, với một chỗ ngồi đặc biệt, cho phép duy trì sự sẵn sàng chiến đấu ngay trong suốt chuyến bay.

Trinh sát đặc nhiệm có thể nhảy dù từ độ cao 10.000 mét, sau đó bay tiếp xa tới 100 km, hạ cánh ở phía sau trận địa, nơi trú quân của đối phương. Hiện nay, không có bất kỳ loại hình nhảy dù đặc biệt lượn xa này trên thế giới. Trừ Nga.

trinh sat dac nhiem cuc manh nga ra don som bat ngo

Đặc nhiệm Nga huấn luyện đột kích thẳng đứng từ trực thăng cùng các lực lượng Hàn Quốc.

Dù bay này khiến đối phương không thể phán đoán trước, vì điểm thả trinh sát ở xa vùng nhạy cảm. "Dalnolet" rất nhỏ gọn, được đặt trong một chiếc ba lô, chỉ nặng 20 kg, nhưng lại chở được lượng hàng hóa lên đến 190 kg.

Tầm bay trung bình khoảng 60 km, nhưng nếu thuận gió, lính trinh sát có thể lái bay xa tới 100 km giúp đội hình trinh sát đặc nhiệm bất ngờ tiếp cận một vùng mà vốn được coi là an toàn, thì nay không còn an toàn nữa.

Họ lo ngại rằng, nếu có cả "bầy đàn" lính chiến đấu đặc nhiệm này bay lặng lẽ, trong đêm, không tiếng động, thật khó phát hiện và đoán trước.

Khi đặc nhiệm của Nga mang theo hoả lực cầm tay, thuốc nổ mạnh bất thần đánh cường tập như (như kiểu đặc công đánh kho tàng, sân bay, bến cảng) thì sức chiến đấu của một đội quân hùng mạnh có thể bị suy hao tàn tệ chỉ vì nhóm đặc nhiệm "trên trời rơi xuống" này.

Tất nhiên… cả trinh sát tiểu hình UAV, không người lái

Báo Vũ khí Nga trong tháng 10 cũng vừa đưa tin: Với hệ thống máy bay không người lái UAV tiểu hình Vytiaz mới thuộc loại nhỏ gọn nhất thế giới được trang bị radar, các trinh sát viên Nga sẽ không phải mạo hiểm tính mạng để lùng tìm các mục tiêu sâu trong hậu phương địch.

Vityaz bề ngoài giống với một máy bay mô hình với sải cánh không quá 3,5 m và chiều dài không quá 1,5 m. Thân, cánh được làm hoàn toàn bằng vật liệu composite gia cường sợi carbon, nên trọng lượng cất cánh không quá 30 kg. Chúng có thể được chuyển trên các xe chiến đấu, xuất kích từ bệ phóng bằng khí nén.

Tốc độ bay tối đa của Vityaz 180 km/h, sau một lần nạp nhiên liệu nó có thể làm việc trên không đến 12 giờ, bay liên tục, vượt cự ly xa hơn 1.000 km! Nó có radar, kính ngắm, camera phát hiện các xe tăng, xe chiến đấu và thậm chí những người lính đơn lẻ đang ngồi trong công sự.

Linh hồn của Vityaz là trạm radar cũng "tiểu hình" có trọng lượng không quá 1 kg. Các anten thu và phát được lắp đồng nhất một khối, nhưng không chuyển động quay tròn.

Radar phát hiện được công sự, xe tăng, bãi pháo từ khoảng cách nhiều km. Với các mục tiêu có độ bộc lộ thấp, che lưới ngụy trang, ẩn nấp, Vityaz vẫn nhận ra.

Có tin cho rằng Vityaz đã được bổ sung một số cải tiến, trong đó có hệ thống nhận dạng và chỉ thị mục tiêu mới. Với tư duy tác chiến "bầy đàn", Vityaz tạo thành một hệ thống thám thính tác chiến bao gồm 5 UAV phóng lên.

Chuyên gia quân sự độc lập Yuri Lyamin nói, hiện nay, các UAV được trang bị radar là tương đối hiếm. Mỹ cũng có 1 loại tương tự, đó là MQ-1C Grey Eagle, còn Israel, các hệ thống radar và hệ thống chế áp trên khoang được lắp cho UAV Hermes 900 của hãng Elbit.

Xét về kích thước, chúng là các máy bay điều khiển từ xa. Vì trọng lượng cất cánh hơn 1 tấn, sải cách lên tới 15 m và giá là nhiều triệu USD và cần có hạ tầng sân bay hoàn chỉnh.

Trong khi đó, UAV Vityaz của Nga có trọng lượng chỉ hơn các máy bay mô hình cỡ lớn một chút mà không cần đường băng cất cánh. Trong khi tham số tốc độ tối đa và tốc độ hành trình lại có thể sánh với các UAV nước ngoài có kích thước lớn hơn.

Năm ngoái, "một bầy" 3 UAV làm nhiệm vụ vẽ bản đồ địa hình ở tỉnh Rostov cho tham số 3 chiều thu được chính xác hơn khi các UAV vẽ bản đồ một cách riêng lẻ. Được biết, phần mềm mới của Nga cho phép tập hợp đến 6 UAV thành bầy. Chúng cũng tự động phân phối với nhau các lệnh nhận được.

Như vậy Vityaz giá rẻ, công năng cao, cho phéo việc sử dụng Vityaz trong trinh sát đặc nhiệm số lượng lớn, với chiến thuật đa dạng sẽ nhanh chóng cho các chỉ huy mặt trận nắm chắc đối phương, theo thời gian thực, cập nhật liên tục tình hình, ra quyết định đúng, kịp thời.

trinh sat dac nhiem cuc manh nga ra don som bat ngo

Dù lượn "Dalnolet" đặc chủng của đặc nhiệm Nga.

Kết luận

Trinh sát đặc nhiệm là tai mắt của chỉ huy. Lực lượng này khâu cuối cùng trong một chuỗi trinh sát chiến lược, chiến dịch.

Bên cạnh trinh sát vệ tinh, không ảnh (máy bay), trinh sát tín hiệu, tình báo hải ngoại, tình báo quốc phòng… giờ đây trinh sát đặc nhiệm Nga lại có trong tay nhiều phương tiện đặc hiệu, chắc chắn chúng sẽ nâng sức mạnh chiến đấu của họ lên một tầm cao mới.

Ra đòn sớm, bất ngờ, khiến đối phương luôn bị dẫn dắt theo, điều mà nước Nga luôn làm được. Đó cũng là nhờ Trinh sát đặc nhiệm mạnh.

Theo Tri Thức trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast