Đạo sắc bằng lụa gấm 400 năm chưa được giải mã

Sắc phong bằng chất liệu lụa gấm có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11 (1610), triều vua Lê Kính Tông hiện đang được ông Nguyễn Văn Tân, xóm Ích Mỹ, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), tộc trưởng dòng họ Nguyễn Văn lưu giữ là đạo sắc thuộc nhóm quý hiếm.

Sắc phong bằng lụa gấm niên hiệu Hoằng Định, dài 4,5m, rộng 0,5m cần được giải mã nội dung.

Sắc phong bằng lụa gấm niên hiệu Hoằng Định, dài 4,5m, rộng 0,5m cần được giải mã nội dung.

Đạo sắc có chiều dài 4,5m, rộng 0,50m, màu trắng đục, không có hoa văn, gồm 318 chữ, bố cục theo 63 hàng cột dọc, 5 hàng ngang, được viết trực tiếp lên lụa. Nét chữ viết rất mảnh, thẳng hàng, rõ và đẹp, phần ghi niên hiệu nằm ở cuối của khổ vải, chỉ còn ½ phần ấn dấu của nhà vua.

Kết quả khảo cứu ban đầu cho thấy, sắc có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông (1610), nội dung của đạo sắc phong công cho ông Nguyễn Văn Giai, một quan đại thần đã có 48 năm làm quan dưới triều Lê (1580 -1628), 3 triều vua: Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông.

Nguyễn Văn Giai, sinh năm Giáp Dần (1554), tại xã Mỹ Tường, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tỉnh). Khoa thi Canh Thìn (1580) đời vua Lê Thế Tông thi trúng Hội nguyên rồi đỗ Đình nguyên nhị giáp Tiến Sỹ, sau đó ông phục vụ dưới triều đại Lê – Trịnh, được phong Đô đài ngự sử kiêm Thượng thư bộ Hộ và có công thông sứ bàn việc tuế với nhà Minh ở Nam Quan, thăng Thượng thư bộ Lại, tước hầu.

Năm Kỷ Dậu, niên hiệu Hoằng Định thứ 10 (1609) đời vua Lê Kính Tông, ông được phong tước Quận công. Năm Ất Mão (1615) thăng tiếp thiếu phó, coi việc 6 Bộ. Năm Đinh Tỵ (1617), Nguyễn Văn Giai được liệt vào hàng Kiệt tiết tuyên lực dực vận tán trị công thần. Tháng giêng năm Mậu Thìn (1628), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, ông mất tại chức, thọ 75 tuổi, được tặng là Tư Đồ, thụy là Cẩn Độ. Đến đời vua Lê Chân Tông, niên hiệu Phúc Thái thứ 3 (1645), Nguyễn Văn Giai được tặng Thái Phó, Đại tư đồ. Đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652) gia tặng Thái Tể, đến đời Cảnh Hưng bao phong Anh liệt đại vương, về sau được phong Thượng đẳng thần

Trước đây dòng tộc Nguyễn Văn có hai sắc lụa gấm, sau đó một sắc bị thất lạc, nay chỉ còn giữ lại được đạo sắc quý trên. Ngoài sắc lụa gấm đặc biệt đó, dòng họ này còn bảo lưu trên 40 đạo sắc, trong đó một số đạo có niên đại khá sớm: 3 đạo có niên hiệu Quang Hưng năm thứ 14 (1593), Quang Hưng năm thứ 16 (1593), Quang Hưng năm thứ 20 (1597); 1 đạo có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 5 (1604), 2 đạo có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 8 (1607), 1 đạo Hoằng Định năm thứ 9 (1608), 2 đạo niên hiệu Hoằng Định thứ 12 (1611), 1 đạo Hoằng Định năm thứ 19 (1618)...

Trong số 40 đạo sắc kể trên, có một số bị mục, một số đạo sắc chưa biết nội dung. Những đạo sắc này trước đây được cất giữ tại đền thờ Nguyễn Văn Giai, nay chuyển về gia đình tộc trưởng dòng họ Nguyễn Văn.

Đạo sắc bằng lụa gấm đặc biệt trên được xếp vào nhóm hiện vật đặc biệt quý hiếm ở Hà Tĩnh, cần được các nhà nghiên cứu chuyên ngành quan tâm giải mã nội dung cũng như các giá trị lịch sử, văn hóa mà bản thân đạo sắc quý đó đã bảo lưu gần 400 năm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast