Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu

Sáng 9/10, Ban Văn hóa xã hội (HĐND tỉnh) đã có buổi làm việc để nghe báo cáo tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự làm việc có Trưởng ban Tuyên giáo Đặng Quốc Vinh.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, đến nay, toàn tỉnh có 27 đơn vị tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổng kinh phí hỗ trợ trang thiết bị dạy nghề, xây dựng cơ sở vật chất cho 22 cơ sở dạy nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg là 88 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, các cơ sở dạy nghề đã tuyển mới 80 giáo viên, nâng số giáo viên dạy nghề toàn tỉnh lên 520 người; tổ chức 686 lớp dạy nghề, với 21.065 học viên.

Ngoài ra, Hà Tĩnh còn thực hiện lồng ghép các chương trình dự án khác để hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Tổng kinh phí được phân bổ cho lao động nông thôn hơn 47,6 tỷ đồng. Thông qua đề án 1956/QĐ-TTg đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 6.238 cán bộ, công chức xã với tổng kinh phí khoảng gần 4 tỷ đồng...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu và phân tích một số một số khó khăn, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Công tác tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện còn bất cập; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thực hiện chưa thường xuyên, chưa đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động; ý thức học nghề của người lao động chưa cao do đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn chưa phản ánh đúng nhu cầu thực chất của người lao động; việc tư vấn, định hướng, việc lựa chọn nghề của người lao động và tổ chức đào tạo chưa bám sát định hướng về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Một số cơ sở dạy nghề chưa phát huy hiệu quả cơ sở vật chất và thiết bị được đầu tư; chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, chưa kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chương trình dạy nghề, quy chế chuyên môn đối với giáo viên trực tiếp lên lớp. Một số chương trình dạy nghề chưa đạt yêu cầu, chưa phù hợp với đối tượng đào tạo và điều kiện, thực tế sản xuất tại địa phương...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast