Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi để đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT

Hội nghị lần thứ 8 BCH T.Ư Đảng (khóa XI) vừa qua đã thảo luận và quyết định ban hành nghị quyết (NQ) về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh xung quanh nội dung này.

- Xin ông chia sẻ cảm xúc của mình sau khi Hội nghị lần thứ 8 BCH T.Ư Đảng (khóa XI) thống nhất phải ban hành NQ riêng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT?

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH, Đảng và Nhà nước càng quan tâm đến sự nghiệp GD&ĐT. Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng thực tế GD&ĐT vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, Đại hội XI của Đảng đã xác định cần phải đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. NQ ra đời thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp GD&ĐT. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn không chỉ của toàn ngành, của những người làm giáo dục mà còn của tất cả người dân nói chung.

Đại hội XI của Đảng đã xác định cần phải đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT
Đại hội XI của Đảng đã xác định cần phải đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT

- Ông có thể cho biết những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách giáo dục trong NQ?

Sự nghiệp giáo dục đã qua nhiều lần cải cách và đổi mới, từ việc đổi mới một số vấn đề như nội dung, chương trình, phương pháp đến cải cách cả hệ thống (chúng ta đã có 3 lần cải cách giáo dục vào các năm 1950, 1956 và 1979). Tuy nhiên, lần này, tinh thần của NQ là đổi mới căn bản, toàn diện nhưng như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói: “Đổi mới lần này là căn bản, toàn diện nhưng không có nghĩa là xóa sạch đi, làm mới hoàn toàn. Những thành tựu giáo dục đã có, những giá trị tốt đẹp về văn hóa, lịch sử dân tộc, truyền thống giáo dục cách mạng nước nhà cần phải được giữ gìn. Nhưng cũng có những điều ta phải cập nhật và nhiều cái chúng ta phải trở lại như bình thường, đúng với sự phát triển khoa học của thế giới”.

Đổi mới căn bản, toàn diện là đổi mới những vấn đề cốt lõi, cấp thiết từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến nội dung, phương pháp GD&ĐT cùng cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo. NQ T.Ư 8 có nhiều điểm mới, nhiều vấn đề được làm rõ hơn. Đó là, về quan điểm: phải thực sự coi GD&ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH. Về mục tiêu giáo dục, cùng với nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là chú trọng phát triển năng lực công dân. Về nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, SXKD, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Về quá trình giáo dục, phải chuyển mạnh từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chuyển hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời; hệ thống GD&ĐT phải được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững định hướng XHCN và mang đậm bản sắc dân tộc.

Ngành Giáo dục Hà Tĩnh giành kết quả cao trong năm học vừa qua. Trong ảnh là top 10 đạt từ 26 điểm thi đại học trở lên của lớp 12A9 - Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh)
Ngành Giáo dục Hà Tĩnh giành kết quả cao trong năm học vừa qua. Trong ảnh là top 10 đạt từ 26 điểm thi đại học trở lên của lớp 12A9 - Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh)

- Ngành Giáo dục Hà Tĩnh sẽ triển khai thực hiện NQ này như thế nào, thưa ông?

Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống hiếu học, thời gian qua, sự nghiệp giáo dục đã không ngừng phát triển, giành được nhiều thành tựu, góp phần đáng kể vào sự phát triển KT-XH tỉnh nhà nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì thế, sau khi NQ T.Ư 8 ban hành, chúng tôi sẽ tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng trong toàn ngành và tổ chức thực hiện nghiêm túc để đạt được kết quả như mong muốn.

Với Hà Tĩnh, chúng ta có thuận lợi lớn là BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đã ban hành NQ 05 về phát triển, nâng cao chất lượng GD&ĐT đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Sau gần 2 năm thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng ta đã thu được một số kết quả, đó sẽ là tiền đề hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện NQ T.Ư 8. Ngành sẽ tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong NQ T.Ư 8 đồng thời với việc tiếp tục quán triệt NQ 05 của Tỉnh ủy để tìm biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả NQ T.Ư 8.

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, chia sẻ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội để tạo động lực cho ngành thực hiện thắng lợi NQ T.Ư 8, góp phần đưa giáo dục Hà Tĩnh thêm bước phát triển mới.

- Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast