Phân luồng sau THCS: Cơ hội cho học sinh tạo lập tương lai

Tính đến thời điểm này các đơn vị được giao nhiệm vụ dạy bổ túc THPT- Trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn toàn tỉnh đã tuyển sinh được 6.103 em, đạt tỷ lệ 96,64% kế hoạch. Đặc biệt, tỷ lệ huy động học sinh (HS) trượt lớp 10 THPT vào học bổ túc tăng hơn 44% so với trước. Việc chú trọng phân luồng sau THCS không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, hoàn thiện phổ cập THPT mà còn tạo cơ hội cho các em xây dựng một tương lai bền vững.

Thầy Phan Đình Lai - Trưởng phòng Trung học chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT cho biết: “Năm 2005, kết quả điều tra về thực trạng tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề ở các địa phương chưa đạt tiêu chuẩn phổ cập nên chúng tôi đã tham mưu để ban hành quyết định bổ sung nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa THPT và đào tạo nghề trên địa bàn. Thực tế, đây là một mô hình mới nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn do tâm lý “thích làm thầy, ngại làm thợ” đã ăn sâu trong tiềm thức suy nghĩ của nhiều người dân. Hơn nữa, ngân sách hỗ trợ cho học viên TCN hết sức hạn hẹp, bên cạnh đó, học viên phần lớn yếu về kiến thức văn hóa, kinh tế gia đình khó khăn, cơ sở vật chất, giáo viên ở các trung tâm lại chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đào tạo...”.

Tâm lý “thích làm thầy, ngại làm thợ” đã ăn sâu trong tiềm thức suy nghĩ của nhiều người dân
Tâm lý “thích làm thầy, ngại làm thợ” đã ăn sâu trong tiềm thức suy nghĩ của nhiều người dân

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho HS và các bậc phụ huynh về mô hình đào tạo mới này, công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ tại các trung tâm cũng được tăng cường thông qua những chính sách của tỉnh và sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT. Theo thời gian, hoạt động của các trung tâm đào tạo nghề, bổ túc văn hóa đã thực sự đi vào nền nếp. Từ việc thống nhất mục tiêu, chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, đảm bảo chất lượng đầu ra cho học viên nên những năm qua, một số ngành nghề như: cơ khí - hàn, điện dân dụng - công nghiệp, may công nghiệp, kế toán, tin học văn phòng... đã thực sự là những mảng nghề có sức hấp dẫn thu hút đông đảo học viên tham gia.

Bên cạnh việc bồi đắp kiến thức văn hóa và hoạt động hướng nghiệp, hoạt động tìm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho các học viên sau khi ra trường cũng là một trong những mục tiêu mà các trung tâm hướng tới. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc làm này nên thời gian qua, một số trung tâm ở các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà... đã chủ động liên hệ với nhiều doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài tỉnh nắm bắt nhu cầu thị trường lao động để giới thiệu cho học viên tìm việc làm phù hợp.

Ngoài ra, một số trung tâm còn tổ chức giao lưu, gặp gỡ giữa lãnh đạo trung tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp và học viên đang học với học viên đã tốt nghiệp đi làm nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Thông qua đó, học viên đang học có cơ hội tìm hiểu về nhu cầu lao động trên toàn quốc. Bằng sự kết nối, tìm hiểu thông tin từ nhiều kênh nên chỉ sau 5 năm triển khai mô hình bổ túc THPT-TCN đã có hơn 3.000 học viên tốt nghiệp. Những địa chỉ hấp dẫn như: Nhà máy Thủy điện IALY (Tây Nguyên), Bản Vẽ (Nghệ An), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Phả Lại, các công ty may xuất khẩu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... đã trở thành điểm đến của học viên được đào tạo TCN trên địa bàn tỉnh nhà. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, số lượng học viên tìm được việc làm, có thu nhập ổn định như nghề điện dân dụng chiếm tỷ lệ 58,3%; may công nghiệp 54%, cơ khí - hàn 47,87%... Hầu hết HS có bằng TCN đều tìm kiếm được việc làm phù hợp.

Em Hoàng Thị Huyền ở Thạch Hà cho biết: “Sau tết này, em sẽ vào một xí nghiệp may ở Bình Dương theo lời giới thiệu của một người bà con. Em thấy mô hình bổ túc THPT-TCN thực sự giúp những người có học lực vừa phải như em giảm bớt khó khăn, rút ngắn thời gian học tập. Kết thúc khóa học, có bằng TCN và bổ túc THPT, tạo cơ hội cho chúng em tìm kiếm việc làm, giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống”.

So với mốc thời gian mà Bộ GD-ĐT hướng dẫn trong việc triển khai mô hình đào tạo ghép, ngành GD-ĐT Hà Tĩnh đã đón đầu, đi trước 5 năm. Vượt qua những khó khăn của buổi ban đầu, mô hình đào tạo ghép bổ túc THPT-TCN (khi các trung tâm giáo dục thường xuyên và kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề được sáp nhập) đã khẳng định tính đúng đắn khi giải quyết được một phần nhu cầu học THPT sau khi tốt nghiệp THCS của một số HS, vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, GQVL trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời giúp địa phương tiếp cận gần hơn với mục tiêu phổ cập bậc trung học - một chủ trương lớn của Đảng đã được BTV Tỉnh ủy cụ thể hóa vào cuộc sống bằng Chỉ thị 48.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast