Báo động gia tăng bệnh không lây nhiễm

(Baohatinh.vn) - Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 500.000 ca tử vong, trong đó, 75% do các bệnh không lây nhiễm (BKLN). Các BKLN phổ biến có 4 nguyên nhân: hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng bia rượu và chế độ ăn uống không hợp lý.

Phòng chạy thận nhân tạo Khoa Cấp cứu - Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn quá tải do bệnh nhân suy thận gia tăng nhanh chóng.

Phòng chạy thận nhân tạo Khoa Cấp cứu - Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn quá tải do bệnh nhân suy thận gia tăng nhanh chóng.

Thực tế cho thấy, các BKLN ngày càng gia tăng. Các bệnh như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… ngày càng có nhiều người mắc, trở thành mối lo ngại của cộng đồng.

Bà Trần Thị Lan (xã Thạch Mỹ - Lộc Hà) cho biết: “Không hiểu sao bây giờ số người mắc ung thư lại nhiều đến thế. Già thì không nói, trẻ cũng mắc nhiều mới lo. Hàng năm, số người chết vì ung thư còn nhiều hơn cả người chết do tuổi cao. Bệnh tai biến cũng ngày càng thấy nhiều”…

Không chỉ bà Lan mà hầu hết người dân đều thấy rõ thực trạng này. Hầu hết đều lo lắng và thắc mắc: Tại sao các BKLN nhưng nguy hiểm lại gia tăng một cách nhanh chóng?

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, các khoa: Tim mạch và Lão học, Nội tổng hợp, Nội tiết, Ung bướu luôn quá tải. Bác sỹ Lê Văn Dũng - Trưởng khoa Tim mạch và Lão học cho biết: Khoa luôn trong tình trạng quá tải triền miên. Chỉ 55 giường bệnh theo kế hoạch nhưng luôn có từ 80 bệnh nhân trở lên, thậm chí có thời điểm lên đến trên 100 người…

Mặc dù chưa có số liệu điều tra, đánh giá đầy đủ nhưng theo thông tin từ Sở Y tế, qua theo dõi báo cáo thống kê của bệnh viện và triển khai một số hoạt động phòng chống BKLN cho thấy, người mắc BKLN tại Hà Tĩnh khá nhiều. Giai đoạn 2013-2015, bình quân mỗi năm, Hà Tĩnh quản lý, khám và điều trị trên 80.000 bệnh nhân mắc các BKLN và số người tử vong chiếm tỷ lệ khá cao.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu chia sẻ: BKLN gia tăng không chỉ gây mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng mà còn là gánh nặng y tế. Thực tế lâu nay, ngành Y đang chạy theo điều trị bệnh là chủ yếu, trong khi công tác dự phòng các BKLN còn hạn chế. Hầu hết các BKLN như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… không thể chữa khỏi mà phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, những bệnh này có thể phòng tránh hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, dinh dưỡng không hợp lý, hoạt động thể lực…

Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các BKLN khác giai đoạn 2015-2025 trình UBND tỉnh phê duyệt. Kế hoạch thực hiện hướng đến các mục tiêu: nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong phòng, chống các BKLN; giảm thiểu các hành vi là nguy cơ chính gây mắc bệnh; hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các BKLN.

Đặc biệt, theo kế hoạch, ngành Y sẽ nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, điều trị, quản lý các BKLN nói trên, hướng đến các chỉ tiêu cụ thể: 90% cơ sở y tế dự phòng đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu phòng, chống BKLN theo quy định; 90% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống BKLN được đào tạo, tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý các BKLN; 90% xã, phường, thị trấn và tương đương (y tế xã) có đủ trang thiết bị y tế cơ bản và thuốc thiết yếu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast