Quốc tế tiếp tục lên án đảo nhân tạo của Trung Quốc

Ngày 20/5, các quan chức quân sự và giới chuyên gia quốc tế tiếp tục lên án Trung Quốc gây hấn trên biển Đông với chiến dịch xây đảo nhân tạo trái phép. Các nhà phân tích dự báo ba kịch bản trên biển Đông.

Quốc tế tiếp tục lên án đảo nhân tạo của Trung Quốc ảnh 1

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông - Ảnh: EPA

Theo báo Wall Street Journal, mới đây đô đốc hải quân Mỹ Michelle Howard tuyên bố đã đến lúc Trung Quốc phải giải thích rõ ràng về ý đồ của nước này đằng sau chiến dịch xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.

“Chắc chắn không ai dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ xây khu nghỉ dưỡng ở đó. Vì vậy, Trung Quốc cần giải thích rõ họ xây gì ở đó” - bà Howard nhấn mạnh.

Phía Mỹ xác định các đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể tiếp nhận máy bay quân sự. Đô đốc Howard quả quyết hải quân Mỹ hoàn toàn đủ khả năng tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên biển Đông. Bà cho biết Mỹ sẽ ủng hộ ASEAN đoàn kết, thống nhất để tìm giải pháp đối phó với đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Ý đồ kiểm soát hoàn toàn biển Đông

Bà Howard cũng thông báo trên thực tế tàu chiến Mỹ đã tổ chức tuần tra trên biển Đông và đối mặt với tàu Trung Quốc tại đây. Mỗi lần, phía tàu Mỹ liên lạc với tàu Trung Quốc theo kênh thông tin liên lạc đã được thành lập từ trước để tránh nguy cơ đụng độ quân sự.

Các nhà phân tích cũng lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về các đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc. Fox News dẫn lời nhà nghiên cứu Dean Cheng thuộc Tổ chức Heritage Foundation nhận định rõ ràng Trung Quốc muốn kiểm soát hoàn toàn tuyến hàng hải 5.300 tỉ USD, huyết mạch quan trọng của thương mại thế giới.

“Rõ ràng Trung Quốc muốn thể hiện rằng biển Đông là vùng biển của họ và tàu bè quốc tế chỉ có thể đi qua đây nếu được Bắc Kinh cho phép” - chuyên gia Cheng bức xúc.

Ông cho rằng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ triển khai máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự tới các đảo nhân tạo.

Học giả Chris Griffin, giám đốc Sáng kiến Chính sách ngoại giao, dự báo Trung Quốc sẽ dùng các đảo nhân tạo để tuyên bố chủ quyền ở khu vực này. Ông David Shear, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, bày tỏ lo ngại hành vi của Trung Quốc sẽ đe dọa an ninh của cả khu vực.

Các chuyên gia dự báo có khả năng quân đội Mỹ và Trung Quốc sẽ đụng độ trên biển Đông. Tuy nhiên, ông Griffin nhận định có thể Trung Quốc sẽ không dám manh động.

Ông nhắc lại trường hợp năm 2013 khi Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, Mỹ lập tức điều máy bay ném bom B-52 tới thách thức ADIZ này và Trung Quốc không dám phản ứng gì.

Ba kịch bản

Theo báo Straits Times, giới chuyên gia khu vực dự báo ba kịch bản có thể xảy ra trên biển Đông. Thứ nhất là khả năng đụng độ quân sự mang tính chất “tai nạn”.

Chuyên gia Wendell Minnick của Defense News cho rằng với việc tàu, máy bay Mỹ và Trung Quốc vờn nhau ở biển Đông, có thể đụng độ sẽ xảy ra và đây là kịch bản xấu nhất.

Ông Minnick nhận định có khả năng, dù không lớn, là một sĩ quan chỉ huy Trung Quốc nổi máu hung hăng ra lệnh bắn tên lửa vào tàu Mỹ và căng thẳng bùng lên.

“Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang bùng phát ở Trung Quốc, do đó chúng ta không thể biết chắc một sĩ quan chỉ huy nước này có thể làm gì” - ông Minnick cảnh báo.

Vấn đề là hiếm khi cộng đồng quốc tế quan sát hải quân Trung Quốc trong một trận chiến thật sự. Do đó phản ứng của lực lượng này trong tình huống thực tế là rất khó dự đoán. Dù vậy, nhà phân tích Li Mingjiang của Singapore lạc quan dự báo khả năng hai bên bắn nhau là rất khó xảy ra.

Kịch bản thứ hai là Trung Quốc có thể dùng chiến thuật “quấy rối” chứ không dám đối đầu quân sự. Có nghĩa là Bắc Kinh sẽ triển khai hàng loạt tàu cá và tàu cảnh sát biển bám đuôi quấy rối các tàu hải quân Mỹ trong khi tàu chiến Trung Quốc giám sát từ xa. Ông Minnick cho rằng đây là kịch bản khả dĩ nhất mà Trung Quốc có thể thực hiện.

Và thứ ba là có thể Nhà Trắng sẽ không tán thành đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc triển khai tàu chiến và máy bay tuần tra gần các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.

Chuyên gia Huang Jing của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) đánh giá đề xuất của Lầu Năm Góc có thể là động thái cảnh báo của Mỹ đối với Trung Quốc.

“Nhà Trắng muốn nhắn nhủ Bắc Kinh rằng nếu Trung Quốc không hành xử đàng hoàng, Mỹ sẽ hành động như thế” - ông Jing nói.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề Biển đông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast