Chuyện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từ một trường mầm non miền núi

Đầu năm 2006, trường mầm non xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) mới làm đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia. Năm học 2008-2009, trường đã được công nhận đạt chuẩn. Điêù ngạc nhiên hơn, trường hoàn toàn được xây dựng bằng giải pháp thực hiện xã hội hoá.

Từ một “đầu tàu”…

Năm 2004, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà được chuyển từ trường mầm non xã Cẩm Quan về giữ chức vụ Phó Hiệu Trưởng trường mầm non xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Thời điểm này, tất cả các hội quán tại các thôn còn là lớp học của các em. Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa, ê, a trong những hội quán mà lòng cô giáo mới nhận nhiệm vụ cảm thấy mình như một kẻ mắc nợ. Lòng tự nhủ mình, không thể để các em phải chịu thiệt thòi mãi như thế được. Để nuôi dạy các em tốt phải có một cơ sở vật chất đảm bảo.

Năm 2006, cô giáo Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia được cô cho ra đời và được HĐND xã thông qua. Tuy nhiên, để thực hiện được đề án trong điều kiện chưa có nguồn lực trên một vùng quê nghèo là điều không hề đơn giản. Phải “lấy dân làm gốc”; “…khó ngàn lần dân liệu cũng xong”…

Hơn lúc nào hết, trong hoàn cảnh này, những lời truyền dạy của Bác Hồ lại luôn thường trực trong đầu cô, tiếp sức và cho cô niềm tin. Vì vậy, mặc dù trong điều kiện rất khó khăn nhưng cô không quản vất vả, chạy đôn chạy đáo để thực thi từng phần kế hoạch của đề án. Quan trọng nhất là công tác vận động. Cùng với việc tích cực tham mưu cho chính quyền, cô giáo Hà đã trực tiếp về tận các thôn xóm vừa tuyên truyền về việc cần thiết phải xây dựng trường chuẩn cho người dân, vừa tham mưu cho các Bí thư xóm, xóm trưởng và các đoàn thể để huy động tất cả hệ thống chính trị tại địa phương vào cuộc. Và cũng bắt đầu từ thời điểm này, cô giáo Hà tạm dừng nhận lương tháng của mình. Lương hàng tháng của cô được chuyển sang nguồn quỹ của nhà trường để tạo nguồn hỗ trợ hoạt động xây dựng trường chuẩn.

Toàn dân xây dựng trường chuẩn

Chuyện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từ một trường mầm non miền núi ảnh 2

Người dân tập trung lấy cát sỏi về đúc gạch xây trường

Ướcvọng đầy tâm huyết của cô giáo Hà đã đánh thức trách nhiệm của người dân. Nhà nhà, người người, không phân biệt là phụ huynh hay không phụ huynh đều đồng tình hưởng ứng phong trào xã hội hoá xây dựng trường mầm non đạt chuẩn. Năm học 2006-2007, Đảng bộ, chính quyền xã cho qui hoạch khuôn viên trường với tổng diện tích 4800 m2 ; nhà trường huy động 300 ngày công của các đoàn thể và hội phụ huynh san lấp mặt bằng, lấy 200 xe công nông cát sỏi. Kết quả, năm khởi đầu, nhà trường đã xây dựng được 5 phòng học và xin được một bộ đồ chơi ngoài trời với tổng trị giá 1 tỷ 2 trăm 75 triệu đồng.

Toàn bộ hệ thống chính trị và người dân địa phương tập trung hoàn thành giai đoạn nước rút

Năm học 2008-2009, là giai đoạn nước rút hoàn thành các hạng mục về cơ sở vật chất để trường đạt các tiêu chí chuẩn quốc gia nên nhà trường đã huy động mạnh mẽ hệ thống chính trị địa phương và toàn thể nhân dân vào cuộc. Kết quả, lấy được 300 xe cát sỏi, đúc được 10.000 viên gạch; huy động đóng góp; xây dựng được 4 phòng học, 5 phòng chức năng, bồn hoa, cây cảnh và mua sắm các trang thiết bị dạy học với tổng trị giá hơn 2 tỷ 200 triệu đồng.

Giờ học ngoài trời của học sinh lớp 5t trường mầm non Cẩm Mỹ

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng chia sẻ: Xây dựng trường chuẩn trên một vùng miền núi khó khăn trong thời gian chỉ hơn 3 năm là cả một điều kỳ diệu đối với chúng tôi. Điều kỳ diệu được dệt nên từ niềm tin của nhà trường và sức mạnh của người dân. Có lẽ chẳng bao giờ chúng tôi quên được những hình ảnh người dân nối hàng nhau đi lấy cát sỏi để về đúc gạch cho trường; trao nhau từng viên gói, lát từng viên gạch… Họ sẵn sàng đến chung tay vào xây dựng trường bất cứ lúc nào nếu chúng tôi gọi. Chúng tôi đã khơi dậy được trách nhiệm, sức mạnh từ họ để cho các em được tập hợp về một điểm, để các em được nuôi dạy với những điều kiện tốt hơn. Từ khi có cơ sở vật chất đạt chuẩn, chất lượng hoạt động chuyên môn của nhà trường cũng chuyển biến vượt bậc. Đến nay, chúng tôi đã huy động được 7 nhóm lớp mẫu giáo với 214/248 cháu và 2 nhóm lớp nhà trẻ; 95% trẻ đạt bé khoẻ bé ngoan. Về chất lượng, với trẻ 5 tuổi, có 85% đạt tốt, 15% đạt khá. Trẻ 4 tuổi, 75% đạt loại tốt, 25% đạt loại khá. Và hiện trường đang được huyện chọn làm trường điểm hệ mầm non xây dựng trường học thân thiện.

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast