Việc lật đổ Tổng thống Morsi là vi hiến

Liên minh Châu Phi (AU) ngày 4/7 cho rằng, chiếu theo quan điểm của tổ chức này về việc thay đổi chính phủ trái pháp luật thì việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi là vi phạm hiến pháp.

Việc lật đổ Tổng thống Morsi là vi hiến ảnh 1

Người dân Ai Cập đổ ra đường phố ở Cairo sau khi quân đội phế truất Tổng thống Morsi. Ảnh: AFP/TTXVN.

AU thường đình chỉ tư cách thành viên của các quốc gia nơi giới quân sự lật đổ chính phủ dân cử.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban AU Nkosazana Dlamini-Zuma ngày 3/7 nói rằng AU có "quan điểm mang tính nguyên tắc về việc thay đổi chính phủ trái với hiến pháp", đồng thời tiết lộ về khả năng có thể đình chỉ tư cách thành viên của Ai Cập.

Bà Zuma cũng kêu gọi người dân Ai Cập tổ chức đối thoại để chấm dứt khủng hoảng theo khuôn khổ luật pháp.

Trong khi đó, ủy viên AU Lamamra Ramtane ngày 4/7 nói với hãng AP rằng Hội đồng hòa bình và an ninh của AU sẽ nhóm họp vào ngày 5/7 để thảo luận cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập.

Ông ElBaradei từ chối làm thủ tướng

Tại Ai Cập, các nguồn tin địa phương cho biết thủ lĩnh Đảng el-Dostour Mohamed ElBaradei đã từ chối đề nghị đứng đầu chính phủ lâm thời và vai trò thủ tướng lâm thời được trao cho cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Farouk al-Aqda, người đang sống ở Luân Đôn.

Trước đó, các nguồn tin Cairo nói rằng ông ElBaradei là ứng cử viên cho chức thủ tướng lâm thời Ai Cập cho tới khi diễn ra các cuộc bầu cử mới, bởi ông là nhân vật được cả phe đối lập và các nhóm Hồi giáo chấp nhận.

Ông ElBaradei từng giữ chức Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong suốt 10 năm. Ông ElBaradei không che giấu quan điểm chống Israel và nổi tiếng vì cản trở việc thanh sát các hoạt động hạt nhân Iran khi cho rằng không có bằng chứng về qui mô quân sự. Ông ElBaradei còn được xem là nhân vật có thiên hướng chống Mỹ.

Một số nguồn tin khác cho biết Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly al-Mansour dự kiến công bố thời điểm tiến hành cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp vào ngày 6/7 tới.

Biểu tình chưa chấm dứt

Liên minh các đảng phái và phong trào Hồi giáo tại Ai Cập, bao gồm cả phong trào Anh em Hồi giáo của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi, đã kêu gọi "các cuộc biểu tình hòa bình" vào ngày 5/7 để lên án quân đội lật đổ ông Morsi.

Cùng ngày, phong trào Anh em Hồi giáo đã lên tiếng tố cáo "chế độ dùi cui" mới sau các vụ bắt bớ đối với các lãnh đạo Hồi giáo và đóng cửa các kênh vệ tinh của quân đội Ai Cập.

Trên thị trường New York, giá dầu thô giao sau đã tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng qua, do lo ngại về tình hình bất ổn tại Ai Cập. Giá dầu thô chuẩn WTI giao sau tăng 1,64 USD từ hôm 2/7 và chốt giá ở mức 101,24 USD/thùng vào ngày 3/7. Giá dầu tăng khi các thương nhân lo ngại tình hình bất ổn ở Ai Cập có thể làm gián đoạn nguồn cung từ các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast