Sớm xây dựng phương án xử lý rác thải ở thị xã Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Trên tuyến QL 1A đi qua địa phận TX Kỳ Anh, người đi đường dễ dàng bắt gặp những đống rác vô chủ. Rác thải sinh hoạt, thậm chí, cả rác thải công nghiệp được tập kết, vứt bừa bãi hai bên đường.

Đi sâu vào các xã, phường ở KKT Vũng Áng, chúng ta càng dễ dàng bắt gặp tình trạng người dân tập kết rác thải ở những địa điểm… “ưa thích”. Từ ngã ba đến lòng, lề đường, cá biệt, ngay trước trụ sở một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, hàng loạt bãi rác vô chủ mọc lên. Mỗi khi qua đường, người dân phải “nín thở” vì rác bốc mùi.

Nhiều hộ dân sinh sống dọc QL 1A ở Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh… đã đặt rất nhiều tấm biển “cấm đổ rác” ở hai bên đường. “Nhưng càng đặt biển thì lượng rác được đem đến đây đổ trộm càng nhiều hơn” - ông Trần Xuân Nam ở phường Kỳ Liên bức xúc.

Mặc dù đã được thu gom nhưng do không có kinh phí hỗ trợ nên việc vận chuyển, xử lý rác ở thị xã Kỳ Anh chưa được thực hiện kịp thời, đồng bộ.

Mặc dù đã được thu gom nhưng do không có kinh phí hỗ trợ nên việc vận chuyển, xử lý rác ở thị xã Kỳ Anh chưa được thực hiện kịp thời, đồng bộ.

Theo Giám đốc HTX Môi trường phường Kỳ Liên - Nguyễn Xuân Miễn, mặc dù rác thải sinh hoạt được đơn vị thu gom thường xuyên, song, do không quản lý được nên nhiều đơn vị thu gom rác ở nơi khác, lén lút đổ trộm vào địa bàn, vì vậy, HTX không đủ năng lực để thu gom, vận chuyển số rác “lậu” này.

“Ngoài việc phải nai lưng để thu gom khối lượng rác vô chủ thì việc thu gom, vận chuyển rác cho người dân và các đơn vị đóng chân trên địa bàn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi tháng, chúng tôi thu được 22 triệu đồng tiền công thu gom, trong khi đó, kinh phí trả cho việc thu gom 300 tấn/tháng đã ngốn 50 triệu đồng. Trước đây, kinh phí vận chuyển được chính quyền các cấp hỗ trợ, nhưng từ đầu tháng 6/2015 đến nay, HTX còn phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để trả tiền vận chuyển. Cứ đà này, chắc chúng tôi phải giải thể HTX môi trường chú ạ” - ông Miễn chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bình quân mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TX Kỳ Anh khoảng 85 tấn, trong khi đó, các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác thải mới chỉ đủ năng lực thu gom, xử lý khoảng 35 tấn/ngày, số còn lại đương nhiên sẽ được tập kết hoặc vứt bừa bãi tại những địa điểm không ai quản lý.

Công ty CP Môi trường đô thị Kỳ Anh là đơn vị hoạt động chuyên ngành, nhưng doanh nghiệp này cũng mới chỉ thu gom được lượng rác thải sinh hoạt ở phường Sông Trí và nhận vận chuyển rác cho các HTX, tổ hợp tác môi trường ở các phường, xã: Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Hà, Kỳ Ninh với khối lượng 25 tấn/ngày.

Theo Giám đốc Công ty Lê Quang Hòa, do thị xã chưa xây dựng được cơ chế hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh đặc thù này nên quá trình thu gom, vận chuyển rác của đơn vị cũng đang bị bó buộc trong một khả năng nhất định. “Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn thị xã có rất nhiều đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác thải. Tuy nhiên, các đơn vị này không có phương tiện chuyên dùng, điểm tập kết, xử lý rác nên không tránh khỏi được việc thu gom rác ở nơi này và lén lút đổ trộm ở địa điểm khác” - ông Hòa cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, năng lực tiếp nhận và xử lý rác của các đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý, chế biến rác thải sinh hoạt ở TX Kỳ Anh khá lớn. Chỉ riêng 2 dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH MTV Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn với công suất 500 tấn/ngày đêm, đủ để tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt của các huyện phía Nam Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải triển khai một cách đồng bộ, đúng quy trình. Điều này đòi hỏi tính chủ động, tích cực của chính quyền thị xã trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư đối với lĩnh vực này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast