Nhớ “bữa tiệc đụng lợn”!

(Baohatinh.vn) - Tháng Chạp, khi vạt hoa lay ơn trước sân nhà bắt đầu nhú búp, trong lòng tôi lại nhớ đến bao nhiêu ngày tết trong ký ức. Nhớ nhất là kỷ niệm về “bữa tiệc đụng lợn” rồi lại lẩm nhẩm: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà”.

Nhớ “bữa tiệc đụng lợn”!

Mỗi khi gặp không khí tết, tôi lại nhớ những “bữa tiệc đụng lợn” thời thơ ấu. Ảnh minh họa Internet

Tôi còn nhớ những năm tháng tuổi thơ như thế. Mờ sáng, khi tôi còn ngủ vùi trong chăn ấm đã nghe thấy cậu cả lách cách mài dao kéo ngay ngoài sân. Chỉ chờ có thế, tôi vùng chăn, theo cậu đi “đụng lợn”.

Thực ra “đụng lợn” là một trong những việc được quan tâm đầu tiên từ trước tết cả tháng trời. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, người làng đã bàn tán xôn xao xem lợn nhà nào ngon, lợn nhà nào có thể ăn đụng được. Những con lợn được chọn để ăn đụng thường to vừa vừa và không phải là lợn mỡ.

Nhà tôi thường đụng lợn vào ngày 29 hoặc 30 tết. Cứ thế, suốt những ngày đó, người lớn luôn tay một công hai ba việc: buổi sáng làm thịt lợn để buổi chiều có thịt gói giò, nấu đông, gói bánh chưng và làm cơm cúng tất niên.

Nhớ “bữa tiệc đụng lợn”!

Những phần thịt khi đụng lợn thường có đầy đủ các bộ phận của lợn. Ảnh Internet

Mỗi người một công việc, người tay thớt, tay dao, người thúng mủng, rổ rá, người cắt lá chuối, người chuẩn bị nước sôi… Cánh đàn ông, người đun nước, người cạo lông, người làm lòng. Phụ nữ thì chuẩn bị muối mắm, rổ rá, lá chuối đựng phần.

Con lợn đụng làm lông xong được ngả ra nong để những người khéo tay pha thịt, lọc xương. Sau đó, tùy thuộc vào việc có bao nhiêu người đụng và con lợn to hay nhỏ mà người ta lại chia kỳ hết. Sau khi chia xong, bà tôi sẽ chọn tảng thịt mông ngon nhất, cắt vuông vắn đem luộc lên để làm đĩa thịt cúng.

Thịt ba chỉ đem cắt nhỏ thành từng miếng to bản làm nhân bánh chưng. Một ít mỡ được lọc riêng ra rán để làm đồ xào nấu. Còn tất cả những thứ còn lại sẽ được nấu thành một nồi thịt đông ngon nức nở ăn cùng dưa món, bánh chưng.

Riêng lũ trẻ con chỉ trông chờ mỗi cái bong bóng lợn. Mỗi công đoạn làm sạch bong bóng đều khiến chúng tôi phấn khích không yên. Và đến công đoạn thổi bóng thì đám trẻ con dường như không giữ được bình tĩnh nữa. Chúng ào lên.

Nhớ “bữa tiệc đụng lợn”!

“Bữa tiệc đụng lợn” được tái hiện trong hội họa. Ảnh minh họa Internet

Cùng thở sâu, cùng hồi hộp, cùng nhún người sau mỗi lần cậu phồng mang thổi vào cái ống đu đủ. Chỉ một lúc cái bóng đã phình lên to bằng đầu tôi. Cậu áp cái bóng vào tai tôi, lấy ngón tay búng hai ba tiếng kêu boong boong rồi trao cho tôi. Tôi chỉ chờ có thế chạy sang sân nhà thờ. Ở đó, đám trẻ đã dàn sân chờ đợi sẵn. Chúng tôi đá trận bóng tất niên với một niềm say sưa khó tả.

Những trò chơi chỉ tết mới có quả thật rất lạ kỳ. Nó cứ như từ đâu xuất hiện và biến mất rồi lại bất ngờ xuất hiện trong lúc xuân sang. Trò thổi tò he, trò pháo đất… cứ rôm rả kéo dài đến ra Giêng khi các bà, các mẹ đã bắt đầu xuống đồng cho một mùa cày ải mới.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast