Lần đầu kể chuyện chị gái “ông Nga Lộc” 50 năm nối nghề cha chữa bệnh cứu người

(Baohatinh.vn) - Ít người biết rằng ông Nguyễn Sĩ Nghị, thường gọi “ông Nga Lộc” (ở xã Nga Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) còn có người chị gái cũng kế tục nghề chữa trị trật xương, sái khớp cứu người của cha mình đã hơn 50 năm nay. Đó là lương y Nguyễn Thị Lan (81 tuổi) ở phường Bắc Hồng, TX. Hồng Lĩnh.

Lần đầu kể chuyện chị gái “ông Nga Lộc” 50 năm nối nghề cha chữa bệnh cứu người

Lương y Nguyễn Thị Lan hiện sống ở Tổ dân phố 3, phường Bắc Hồng (TX. Hồng Lĩnh)

Vừa thoát khỏi những cơn đau hành hạ do tai nạn khi làm việc nhà, bà Hồ Thị Hồng (71 tuổi) ở Tổ dân phố (TDP) 10 phường Bắc Hồng (TX. Hồng Lĩnh) cho biết: “Hôm đó (ngày 26/10/2019 - PV) tôi bưng chậu nước để tưới cây. Vì bất cẩn, tôi ngã mạnh xuống nền xi măng, cố gượng dậy mà không đứng lên nổi, từ lưng đến xương chậu đau đớn vô cùng. Được chồng dìu vào nhà, khi đó tôi nghĩ chắc gãy lưng rồi, phải “ăn cơm” bệnh viện dài ngày. Nhưng có bà hàng xóm sang hỏi thăm, bảo tôi đến nhờ bà Lan xem cho thử thế nào và tôi đã nghe theo”.

Bà Hồng kể, sau khi khám, bà Nguyễn Thị Lan kết luận bà bị trụt xương sống. Bằng tay nghề của mình, bà Lan đã nấn lại chỗ bị tổn thương cho bệnh nhân. Chỉ sau 1 giờ, bà đã có thể đứng lên đi lại được. Chi phí chữa trị bà Lan chỉ thu tiền thuốc 50 ngàn đồng. Bà Hồng uống hết 10 thang thuốc lá thì khỏi hẳn, hiện nay, đã có thể làm việc nhà.

Lần đầu kể chuyện chị gái “ông Nga Lộc” 50 năm nối nghề cha chữa bệnh cứu người

Không chỉ là một lương y cứu chữa thành công rất nhiều bệnh nhân, bà Nguyễn Thị Lan còn là một cán bộ Hội Chữ thập đỏ năng nổ của phường suốt gần 30 năm nay. Ảnh: Bà Lan trò chuyện với lãnh đạo Hội Người cao tuổi phường.

Bà Hồng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị gãy xương, sái hàm, sái khớp… không chỉ ở thị Xã Hồng Lĩnh mà còn ở các địa phương khác trong tỉnh, thậm chí ở Nghệ An… đều đã tìm đến và được lương y Nguyễn Thị Lan cứu chữa thành công.

Được biết, thừa kế từ sự truyền nghề của cha mình là lương y Nguyễn Sĩ Giảng, cùng em trai là lương y Nguyễn Sĩ Nghị, bà Lan đã hành nghề chữa trị về bệnh xương khớp ngay từ thời thanh niên lúc bà tham gia dân công hỏa tuyến năm 1966 - 1967.

Cuối năm 1967, bà trở thành công nhân của của một Công ty Xây dựng 4 - thị xã Hồng Lĩnh. Tại đây, bên cạnh công việc của một công nhân bà Nguyễn Thị Lan tiếp tục tình nguyện làm công tác cứu người không chỉ ở đơn vị mình mà còn ở các đơn vị bạn.

Lần đầu kể chuyện chị gái “ông Nga Lộc” 50 năm nối nghề cha chữa bệnh cứu người

Dù tuổi cao nhưng bà Nguyễn Thị Lan vẫn luôn thức khuya dậy sớm làm thuốc để cứu người

Bà kể: “Lúc đó, không chỉ người trong đơn vị mà ở những đơn vị khác có người bị gãy tay, chân cần giúp đỡ thì công ty lại cử tôi đến để chữa trị cho họ. Không kể thời gian đêm hay ngày, mưa gió bão bùng, nếu bệnh nhân bị thương nặng không thể đến được thì tôi đi”.

Điều đặc biệt suốt quãng thời gian 17 năm làm công nhân ở Công ty Xây dựng 4 (1967 - 1984), tuy cứu chữa hàng trăm người bị thương nhưng công việc đó của bà Lan hoàn toàn thiện nguyện. Ngay cả việc băng rừng lội suối hái thuốc về cho bệnh nhân uống bà cũng không lấy tiền.

Sau khi nghỉ chế độ, bên cạnh làm thuốc xương khớp, bà còn nhận công việc hộ sinh miễn phí trong vòng 7 năm. Đến năm 1992, ở địa phương có trạm y tế, bà mới quay lại chuyên tâm vào làm nghề thuốc gia truyền của gia đình.

Cũng trong thời gian này, bà Lan trở thành hội viên Hội Đông y thị Xã Hồng Lĩnh. Từ năm 1995 đến nay, bà liên tục đảm nhận chức vụ Chi hội trưởng Chi Hội Chữ thập đỏ TDP 3 phường Bắc Hồng.

Lần đầu kể chuyện chị gái “ông Nga Lộc” 50 năm nối nghề cha chữa bệnh cứu người

Giấy chứng nhận lương y của bà Lan do Sở Y tế Hà Tĩnh cấp

Suốt hơn 50 năm làm nghề thầy thuốc, trong đó hơn 20 năm chỉ làm thiện nguyện, 30 năm chỉ lấy tiền công hái thuốc với số tiền rất ít (hiện nay là 5.000 đồng/thang thuốc) bà Nguyễn Thị Lan đã giúp đỡ hàng nghìn người bị thương về gãy xương, sái khớp…

Đến tận bây giờ, tuổi đã cao nhưng hằng ngày bà vẫn thức khuya dậy sớm thái thuốc, gói thuốc và khám chữa bệnh mỗi khi có người cần cứu giúp.

Với những đóng góp của mình trong công tác chữa bệnh và công tác xã hội, nhiều năm liền, bà Nguyễn Thị Lan được Hội Đông Y tỉnh Hà Tĩnh, Hội Chữ thập đỏ thị Xã Hồng Lĩnh tặng bằng khen.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast