Gian nan những chuyến đò ngang

Người lái đò câm ở bến đò xóm núi ú ớ khuơ tay hướng dẫn hành khách. Con thuyền nhỏ tròng trành vượt sông giữa buổi trưa hè nắng như đổ lửa. Những chuyến đò ngang mong manh như thế đã đội nắng đội mưa đưa người dân các xóm 11,12 và 13 của xã Hương Thủy (Hương Khê) đến với trường học, trạm xá, chợ làng... suốt bao nhiêu năm qua.

Nhọc nhằn đường mưu sinh

Trong những năm chiến tranh ác liệt, xã Chu Lễ (Hương Thủy ngày nay) là trung tâm kinh tế chính trị - văn hóa của huyện Hương Khê. Gắn với con đường chiến lược 15 và tuyến đường sắt Bắc - Nam, Chu Lễ là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của giặc Mỹ. Người dân Hương Thủy và một số địa phương khác dọc tỉnh lộ 15 đã sơ tán đến vùng đất sườn đồi bên kia sông Ngàn Sâu để ổn định cuộc sống, cùng với cư dân ở đó hình thành nên 3 địa bàn thôn xóm có điều kiện địa lý khá giống nhau như hiện nay, gọi chung là khu vực Bắc Sơn.

Cuộc sống của người dân Bắc Sơn gắn liền với bến sông, con đò.
Cuộc sống của người dân Bắc Sơn gắn liền với bến sông, con đò.

Ba bến đò ngang qua sông Ngàn Sâu chính là những con đường độc đạo vào Bắc Sơn. Trong chiến tranh, nơi đây là địa điểm khá an toàn trước bom đạn của kẻ thù. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, kể từ khi đất nước, quê hương được giải phóng, diện mạo của vùng quê “cách trở đò giang” ấy dường như vẫn chưa đổi thay được bao nhiêu, người dân ở đây vẫn vô tư cam chịu cuộc sống bần hàn, lam lũ đã đeo bám bao đời.

Chúng tôi đến Bắc Sơn vừa lúc nhiều người dân đang tập trung ở bến đò để nhận phân bón ở trung tâm xã. Đò nhỏ, người và hàng nhiều nên phải phân chia thành từng nhóm để chuyển dần qua sông. Anh cán bộ văn phòng UBND xã với vai trò là người dẫn đường cho biết, Bắc Sơn không những bị chia cắt về giao thông, mà còn thường xuyên phải đối mặt với sự hiểm nguy về tính mạng và thất bát mùa màng bởi thiên tai, nhất là về mùa mưa lũ; đất đai lại khô cằn. Diện tích sản xuất nông nghiệp chủ yếu là bên kia sông. Ngày thường đã vất vả, mùa màng đến lại càng cực nhọc hơn. Tất tần tật các sản phẩm nhà nông đều phải chất lên còn đò già nua, mỏng mảnh và phó thác cho người cầm sào. Trong suốt cả quảng đời chống chèo trên sông, những người lái đò đã từng phải lặn ngụp giữa dòng nước ác nghiệt để cùng bà con vớt vát những sản phẩm không may bị chìm xuống lòng sông.

Đến Bắc Sơn, chúng tôi có cảm giác cuộc sống dường như trôi đi thật chậm và thứ tài sản vô giá là thời gian ở đây đang bị tiêu tốn một cách xót xa. Đơn giản nhất là việc đi chợ cũng phải mất nửa ngày trời. Trên chuyến đò sang sông vào ngày chợ phiên, chúng tôi nghe một phụ nữ than thở: “Cả tuần rồi mới sang chợ được để mua ít thức ăn. Nhưng đó cũng là sự hiếm, bởi vì bữa ăn hàng ngày của người dân ở đây vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp. Chuyện làm nhà ở Bắc Sơn cũng vô cùng gian nan chỉ bởi giao thông đôi bờ cách trở và đường sá tạm bợ.

Trẻ em Bắc Sơn những ngày hè.
Trẻ em Bắc Sơn những ngày hè.

Ông xóm trưởng xóm 13 vừa xây được một ngôi nhà kiên cố. Cũng như một số người dân đã xây được nhà ở đây, ông phải huy động nhiều người và mất hàng tháng trời mới tập kết xong các loại vật liệu. Ông cho biết: “Ở đây, việc vận chuyển vật liệu là phần việc quan trọng nhất trong quy trình xây dựng một ngôi nhà hay các công trình xây dựng khác, cần phải kiên trì như đàn kiến tha mồi về tổ”.

Sinh hoạt, sản xuất, giao thương… trong điều kiện như thế, không đói nghèo mới là chuyện lạ. Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, ông Nguyễn Văn Phú cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của các xóm này đều cao hơn nhiều so với bình quân chung của xã. Trong đó, xóm 11 và 13 có từ 21-25% hộ nghèo, cao gấp đôi mức bình quân toàn xã.

Gian nan tìm con chữ

Men theo những con đường quanh co đến với các gia đình ở Bắc Sơn, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về sự vất vả gian nan để đến với con chữ của người dân ở đây. Chuyện những em bé ngủ trên lưng cha mẹ trong buổi chờ đò để tới trường; chuyện các em học sinh bị chìm đò ướt hết áo quần, sách vở; chuyện mùa mưa lũ, học trò Bắc Sơn phải nghỉ hẳn cả tuần chờ nước rút; chuyện nhà nghèo, đông con nên đứa lớn chỉ cần biết đọc, biết viết là phải nghỉ học nhường cho đứa bé đến trường… Cách trở đò giang đã làm dài thêm con đường tìm đến tri thức để nuôi lớn những ước mơ về một cuộc sống mới của người dân Bắc Sơn.

Hơn 200 hộ gia đình, có tới trên 1.000 nhân khẩu, những năm qua Bắc Sơn là một trong những điểm nóng về tình hình phát triển dân số của xã. Trẻ con Bắc Sơn nối nhau ra đời trong nghèo đói và hạn chế việc học hành. Trước đây, các trường học, cấp học đều chỉ có ở bờ bên kia. Con đường đến trường của các em vốn chống chếnh và bấp bênh như hành trình gian nan của những chuyến đò vậy.

Để góp phần cải thiện việc học của con em nơi đây, năm 1997, xã xây dựng 2 phòng học dành cho lớp 1 và 2, đồng thời thành lập lớp mầm non học ở hội quán các xóm. Tuy nhiên, chừng đó cố gắng vẫn chưa tạo được bước đột phá trong phong trào học tập của nhân dân, bởi hệ thống cơ sở vật chất quá yếu kém cộng với điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nên chưa quan tâm đến việc học hành của con em.

Trẻ em, người lớn chen chúc đợi đò qua sông.
Trẻ em, người lớn chen chúc đợi đò qua sông.

Đồng chí Bí thư xóm 11 cho biết: “Trước đây hầu hết học sinh của Bắc Sơn chỉ học hết cấp 1 là xem như hoàn thành việc học. Những năm gần đây, nhờ thực hiện chủ trương phổ cập THCS, xóm mới có được 80% số học sinh trong độ tuổi tốt nghiệp cấp 2. Sau đó các em chủ yếu đi khắp nơi làm ăn sinh sống.

Đôi bờ thao thức

Không phải chỉ bây giờ mà đã từ lâu, xã Hương Thủy luôn trăn trở với bài toán tìm hướng thoát nghèo cho người dân vùng Bắc Sơn. Đã có rất nhiều đợt tập huấn về KHKT cho bà con, những giống cây trồng mới cũng được du nhập về.

Những năm qua, cán bộ dân số và đội ngũ giáo viên của xã đã lặn lội bám trụ tại vùng quê này để từng bước đổi thay cách nghĩ, cách làm của người bên kia sông. Nỗ lực ấy đã mang lại những kết quả khả quan, hé mở những tín hiệu đáng mừng.

Hướng phát triển kinh tế vườn - rừng kết hợp chăn nuôi đang từng bước được hình thành với khoảng vài chục hộ trồng cây ăn quả trong vườn và nhận đất trồng rừng. Xóm trưởng xóm 13 - Trần Văn Hạnh cho biết, hiện xóm có khoảng 50 hộ phát triển mô hình V-A-C-R. Nhiều hộ có quy mô vài ba ha đất rừng và hàng trăm con gà thả vườn. Nhiều năm nay, công tác dân số ở Bắc Sơn đã có những chuyển biến rõ rệt, có xóm liên tục 3 năm không có người sinh con thứ 3. Có 2 trong 3 xóm (xóm 12 và 13) đạt tỷ lệ 100% em trong độ tuổi tốt nghiệp THCS; số học sinh vào cấp ba đến nay của cả vùng đã có hàng chục em. Những học sinh đầu tiên ở vùng quê nghèo khó này đã bước chân vào các trường cao đẳng, đại học…

Tuy nhiên Bắc Sơn vẫn chưa thể bắt nhịp với sự phát triển chung của xã hội trong điều kiện giao thông cách trở. Chủ tịch UBND xã cho biết, nguyện vọng thiết tha về một cây cầu cho vùng Bắc Sơn đã được đề xuất ở rất nhiều diễn đàn. Cách đây vài năm, có một đoàn cán bộ về khảo sát, đo đạc. Người dân đã khấp khởi hi vọng. Nhưng đến hôm nay, câu trả lời về một phương án nối đôi bờ Hương Thủy vẫn còn bỏ ngỏ.

Sau gần một ngày rong ruổi cùng những người con xóm núi, chúng tôi lên đò sang sông khi đâu đây đã sáng ánh đèn. Núi rừng đã về đêm. Tiếng mái chèo khua nước ì oạp, tiếng gà rừng eo óc xa xa không đủ để làm tan đi bóng núi và sự tĩnh mịch đến ghê người. Tôi bỗng day dứt thương cho những bến đò đêm đêm thao thức như nỗi khát khao nối đôi bờ của người dân suốt những tháng năm qua…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast