Phải có dũng khí của người cộng sản trong tự phê bình và phê bình

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đánh giá rất đúng thực trạng, nguyên nhân về những vấn đề cấp bách đặt ra của Đảng và đề ra được 4 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

Trong ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay thì vấn đề trọng tâm và cấp bách nhất là “sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số lãnh đạo cao cấp” và vấn đề lớn nhất làm suy yếu năng lực lãnh đạo là chủ nghĩa cá nhân, gây mất lòng tin trong trong quần chúng nhân dân.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm điểm tập thể
Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm điểm tập thể

Tư tưởng cá nhân khiến người ta trở nên quan liêu, hống hách, xa rời quần chúng. Tư tưởng cá nhân làm cho cán bộ, đảng viên quên mất vị trí của mình, chỉ lo vun vén, có cơ hội là tìm mọi cách trục lợi, làm giàu cho bản thân và gia đình mình. Tư tưởng cá nhân khiến người có chức có quyền thiếu kiên định lập trường trước cảm hóa của vật chất,; quên mất đồng chí, đồng đội- những người đã từng cưu mạng, giúp đỡ, kề vai sát cánh với mình trong công tác, trong khó khăn, hoạn nạn; không phân biệt được đúng sai, bạn thù. Tóm lại, tư tưởng cá nhân là sự suy thoái tệ hại, đáng sợ nhất của đạo đức cánh mạng, bào mòn phẩm chất cộng sản, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, dẫn đến suy thoái chính trị.

Vì vậy, vấn đề trọng tâm, xuyên suốt của NQ Trung ương 4 khóa XI đó là việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Muốn làm được điều này thì cần nêu cao tính gương mẫu, kiểm điểm nghiêm túc, thực hiện tự phê bình và phê bình, trước hết là ở những đảng viên chủ trì, đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Chúng ta đều biết rằng, sự gương mẫu của cán bộ chủ trì là cực kỳ quan trọng. Người ta thường nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Chủ trì Đảng, chính quyền có gương mẫu, tự giác, nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót, khuyết điểm của mình (về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống) nói ra trước tập thể thì mọi người mới mạnh dạn góp ý, chỉ ra “căn bệnh” và “bốc thuốc” giúp. Đồng thời, mọi người trong tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đó có thành tâm, thành ý giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp của mình, phê bình một cách thẳng thắn, chân thành thì người được phê mới thấy thoải mái, nhận ra những điều sai của mình mà sửa.

Mặt khác, theo tôi, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này nếu được tiến hành một cách công khai, minh bạch trước tập thể đơn vị, trước quần chúng nhân dân, chắc chắn tác dụng của nó sẽ lớn hơn rất nhiều. Bác Hồ đã từng nói, một Đảng mạnh, một Đảng chân chính thì sẽ không sợ công khai những khuyết điểm của mình. Trái lại, làm được như vậy, dân lại càng thêm tin yêu Đảng, bảo vệ Đảng.

Tự phê bình và phê bình cũng như xây dựng và chỉnh đốn Đảng không phải là cái gì mới mẻ. Vì Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng khóa VII năm 1972 cũng đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Trong nhiệm kỳ khóa VIII có Nghị quyết Trung ương 6, là một nghị quyết đề cao tinh thần đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất mạnh mẽ, quyết liệt. Song kết quả chưa được như mong đợi. Vì vậy lần này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang náo nức chờ đợi nghị quyết sẽ đem lại một luồng sinh khí mới. Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện từ Trung ương xuống địa phương, từ các đồng chí trong thường vụ cấp ủy, đến từng cấp ủy Đảng các cấp trong tự phê bình và phê bình như thế nào. Đây thật sự là cuộc đấu tranh không khoan nhượng và không có thỏa hiệp, bởi vì cái tiêu cực không còn là cá thể mà đã ảnh hưởng đến “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên. Đòi hỏi Đảng ta phải làm một cuộc “giải phẫu”, cắt bỏ những ung nhọt, mầm bệnh để giữ cho một cơ thể lành mạnh, khỏe khoắn, đủ sức lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi lý tưởng cách mạng đã đề ra.

Giải pháp lớn nhất bây giờ là làm. Song muốn làm một cách có hiệu quả cần một cơ chế phê và tự phê đúng đắn, trước hết phải thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Đảng, trong các cơ quan, đơn vị. Nếu phê và tự phê trong hoàn cảnh thiếu dân chủ tất yếu sẽ dẫn đến sự xuê xoa, e dè hoặc ngược lại, những người dám thẳng thắn góp ý, phê bình (nhất là với cấp trên) dễ bị nhận phần thiệt thòi về mình. Bác Hồ đã từng nói: “Muốn sữa chữa cho tốt, phải sẳn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không thật thà tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi”.

Mong rằng lần xây dựng, chỉnh đốn Đảng này, chúng ta, trước hết là các cán bộ, đảng viên cần có nhận thức dúng, có khí phách của một người cộng sản, dám tự nhìn lại mình, đội ngũ của mình, kiên quyết đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm bằng vũ khí tự phê bình và phê bình, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bởi suy cho cùng, chìa khóa của mọi vấn đề là nhân tố con người, là công tác cán bộ. Xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng không chỉ quyết định sự tồn vong của Đảng mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến hành trình tương lai của đất nước và của cả dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast