Hào Quang tỏa sáng

(Baohatinh.vn) - Nhanh nhẹn, rắn rỏi, người đàn ông gần 60 tuổi với chặng đường 42 năm từ người thợ - người lính đi lên bằng hai bàn tay trắng để xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Ông là Trần Hào Quang - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hào Quang.

Suốt cuộc hành trình, Trần Hào Quang luôn cho rằng: “Thiên thời - địa lợi - nhân hòa” là những yếu tố làm nên thành công của Hào Quang. Có thể đúng nhưng chưa đủ nếu người chủ không có đủ bản lĩnh và phẩm chất “thiên phú”. Sinh năm 1955, ông là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 chị em. Năm 1972, người mẹ qua đời trong một trận bom khốc liệt. Chàng trai trẻ đành gác bút nghiên thay bố gánh vác việc gia đình (bố ông bấy giờ là dân công hỏa tuyến ngoài mặt trận).

Những sản phẩm tinh xảo của Công ty TNHH Chế biến gỗ Hào Quang đã vươn ra thị trường các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình.
Những sản phẩm tinh xảo của Công ty TNHH Chế biến gỗ Hào Quang đã vươn ra thị trường các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình.

Chỉ sau 1 năm học nghề mộc, ông trở nên nổi tiếng tại xã Thạch Quý (nay là phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh). Năm 1975, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, đóng quân tại tỉnh Đắk Lắk, rồi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tháng 3/1979, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông là một trong số ít người được lựa chọn vào học tại Trường Sỹ quan Quân khu 5. Khóa học kết thúc, ông được giữ lại làm cán bộ quản lý của trường. Quãng thời gian gắn bó với quân đội, ông đã học được rất nhiều kinh nghiệm quý về bản lĩnh và cách thức tổ chức quản lý. Năm 1989, theo nguyện vọng đoàn tụ gia đình, ông được điều động về Ban CHQS thị xã Hà Tĩnh.

Từ năm 1991-1996, cơ sở sản xuất đồ gỗ Hào Quang được thành lập. Bãi lầy cạnh cầu Sở Rượu có diện tích 10.000 m2 trên sông Cụt được cải tạo thành một cơ sở sản xuất chế biến gỗ với 5-7 lao động làm việc. Là người chủ, ông Quang luôn trăn trở: nguyên liệu quý hiếm tại địa phương rất dồi dào nhưng lại để thương nhân các tỉnh, thành khác thu mua, rồi tạo ra các sản phẩm bán trên địa bàn Hà Tĩnh.

Không chấp nhận “lép vế”, ông lên đường “tầm sư học đạo”. Bắc Ninh, Hà Tây (cũ), thậm chí là những tỉnh phía Nam của đất nước đều lưu dấu chân ông. Không chỉ học được nhiều kinh nghiệm quý, ông còn thu nạp được rất nhiều nghệ nhân các miền. Với mức thù lao gấp đôi và có khi gấp ba, công ty do ông làm chủ đã thu hút 10-15 người thợ tài hoa truyền nghề cho đội ngũ lao động tỉnh nhà. “Có giai đoạn, công ty tiếp nhận 50 thợ mộc thuộc hàng chuyên gia, có thể tạo nên những sản phẩm độc đáo. Sản phẩm bán ra hòa vốn, nhưng cái được lớn hơn là công nhân mình “học lỏm” được nghề” - ông Quang trải lòng.

Những sản phẩm đồ gỗ tinh tế, đạt độ tinh xảo cao qua bàn tay người thợ tài hoa đã vượt “biên giới” tỉnh nhà và tìm được chỗ đứng tại Nghệ An, Quảng Bình. Có được thành công, theo ông: “Trước tiên là nhờ có chủ trương đúng, nếu không Hào Quang sẽ không có “đất diễn”. Kế đến là thời điểm “mở cửa” kinh tế thị trường và đặc biệt là môi trường quân đội đã rèn luyện nên bản lĩnh không lùi bước và gục ngã trước khó khăn”.

Hiện Công ty TNHH Chế biến gỗ Hào Quang giải quyết việc làm cho 100 lao động với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Không nợ BHXH, thuế và ngân hàng, mỗi năm, công ty còn dành hàng trăm triệu đồng để tham gia các hoạt động từ thiện. Liên tục nhiều năm, công ty giành danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu. “Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng thêm mảng thương mại. Như thế cũng là đủ với tiềm lực và sức lực của mình. Hiện số gỗ quý trong kho có thể sản xuất các sản phẩm trong 10 năm tới” - Giám đốc Trần Hào Quang nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast