Chưa dễ giải bài toán thu hút, sử dụng đội ngũ y, bác sỹ tuyến cơ sở

Theo thống kê của ngành Y tế, trong vòng 5 năm (2007 – 2012) tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ở Hà Tĩnh tăng từ 4,2 lên 6,1. Số cán bộ có trình độ bác sỹ công tác tại tuyến xã tăng nhanh từ 62 người lên 178 người, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ tăng từ 33% lên 67,9%. Đây được coi là bước tiến đáng kể trong công tác tăng cường, cũng cố nguồn nhân lực, góp phần hoàn thành công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển thì đội ngũ y bác sỹ ở tỉnh ta còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

Khi bác sỹ không mặn mà với tuyến cơ sở

Là địa bàn nằm cách trung tâm huyện lỵ gần 15 km, tuy nhiên gần 10 năm nay, việc khám chữa bệnh cho hơn 13.000 dân ở Cương Gián (Nghi Xuân) đều do các y tá tiến hành. Mặc dù thời gian qua đã có 3 bác sỹ được đào tạo và bổ nhiệm về công tác tại trạm y tế xã nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên Trạm y tế Cương Gián đã không giữ chân được các bác sỹ.

Theo lý giải của lãnh đạo Phòng Y tế Nghi Xuân, vì sợ không phát huy được chuyên môn nghiệp vụ, không có điều kiện học tập để nâng cao trình độ nên các bác sỹ không mặn mà với y tế tuyến cơ sở đồng thời chế độ lương, phụ cấp của bác sỹ làm việc tại các xã thấp hơn nhiều so với làm ở các bệnh viện lớn khác do vậy các cán bộ được huyện điều chuyển về Cương Gián đều bỏ việc.

Hiện tượng bác sỹ không mặn mà với tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng khó khăn vốn đã chịu không ít thiệt thòi từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Điều dưỡng, phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân tại Bệnh viện Điều dường, phục hồi chức năng Hà Tĩnh

Điều dưỡng, phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân tại Bệnh viện Điều dường, phục hồi chức năng Hà Tĩnh

Tương tự các Trạm y tế tuyến xã, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu bác sỹ chuyên ngành. Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng, phục hồi chức năng Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diện cho biết, đơn vị hiện có 100 giường bệnh, theo quy định của Bộ Y tế thì bệnh viện phải có 20 bác sỹ để tiến hành các biện pháp điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân. Song hiện nay số lượng bác sỹ mới bằng ½ quy định, vì thế đội ngũ y bác sỹ ở đây phải làm việc bằng hai.

Cũng theo Bác sỹ Diện, nhiệm vụ chính của bệnh viện là khám, chẩn đoán, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người bị mắc bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật và các đối tượng có nhu cầu. Do đó, đội ngũ y, bác sỹ ở đây bên cạnh việc trang bị các kiến thức, kỹ năng của một bác sỹ đa khoa đòi hỏi phải nắm vững kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực điều dưỡng, phục hồi chức năng.

Trước những yêu cầu bức thiết đạt ra trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, Bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng Hà Tĩnh đã xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực có trinh độ về công tác tại đơn vị. Theo đó, mỗi bác sỹ khi về làm việc tại đây, ngoài chính sách thu hút của tỉnh, mỗi người còn được bệnh viện hỗ trợ thêm 15 triệu đồng. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, chỉ có 3 bác sỹ tình nguyện về đây công tác.

Công việc đặc thù, môi trường làm việc vất vả, đòi hỏi chuyên môn cao nhưng thu nhập thấp hơn so với nơi khác, bởi thế nhiều bác sỹ không mặn mà với tuyến y tế cơ sở hoặc các Bệnh viện chuyên khoa như tâm thần, y học cổ truyền, điều dưỡng và phục hồi chức năng

Bất cập trong đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực

Trong giai đoạn 2007 - 2012, ngành Y tế Hà Tĩnh đã cử được 499 cán bộ trong biên chế đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có 85 người học sau đại học, 339 người học đại học (12 DS ĐH, 254 BSĐK, 69 BSCK định hướng, 12 ĐD ĐH và 2 KTV ĐH…). Năm 2011, tỉnh đã cử 35 người đi học sau đại học, 8 cán bộ học đại học (trong đó có 6 DS), 8 người học cử nhân y tế công cộng, 4 người học cử nhân kỹ thuật Y học và 25 người học CNĐD… Thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, hàng năm ngành y tế tuyển dụng từ 25 đến 30 bác sỹ, dược sỹ đại học.

Những con số trên đồng nghĩa với việc hàng năm ngành y tế Hà Tĩnh được tăng cường số lượng nguồn nhân cần thiết phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn như Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh... tình trạng thiếu đội ngũ bác sỹ vẫn kéo dài từ năm nay qua năm khác.

Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Thị Ninh, nhìn chung, đội ngũ cán bộ y tế của Hà Tĩnh không chỉ thiếu về số lượng mà còn hạn chế về chất lượng với cơ cấu chưa hợp lý; thiếu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chuyên khoa sâu, YHCT và Dược. Chất lượng KCB ở tuyến huyện và xã còn hạn chế do trình độ chuyên môn của cán bộ Y tế tuyến cơ sở còn thấp, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Một số cán bộ mặc dù đã được đề bạt làm lãnh đạo quản lý nhưng vẫn chưa được đào tạo về lĩnh vực quản lý Nhà nước nên năng lực điều hành còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu thống kê của Phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế Hà Tĩnh), năm 2012, Hà Tĩnh có hơn 83.000 lượt bệnh nhân khám, điều trị vượt tuyến. Bên cạnh việc phát sinh và gia tăng nhiều yếu tố gây bất lợi cho sức khỏe cộng đồng như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các tệ nạn xã hội và lối sống không lành mạnh... mô hình bệnh tật có sự thay đổi theo chiều hướng gia tăng các bệnh không lây và nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, do đó người dân có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Chất lượng KCB ở tuyến huyện và xã còn hạn chế do trình độ chuyên môn của cán bộ Y tế tuyến cơ sở còn thấp, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Thêm vào đó, các cơ sở y tế trên địa bàn thực sự chưa tạo được niềm tin đối với người dân, còn nhiều biểu hiện gây phiền hà, vấn đề y đức chưa thực sự được coi trọng.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ cở y tế trên địa bàn cho thấy sự bất cập trong công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ngành y. Tại sao các bác sĩ không chấp nhận về tuyến cơ sở? Kể cả những người được đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ?… Theo tâm tư của nhiều bác sỹ đang công tác ở cơ sở, khi về đó họ không thể sống nổi với mức lương khởi điểm chưa đến 2,5 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, bác sĩ không có điều kiện nâng cao tay nghề vì làm việc trong điều kiện thiếu trang thiết bị, ít bệnh nhân. Bên cạnh đó nhiều trạm y tế không có các phương tiện cận lâm sàng góp phần giúp nâng cao hiệu quả của việc khám và điều trị. Do đó, người bệnh tìm mọi cách để được điều trị tại các bệnh viện lớn hơn, nơi có đội ngũ bác sỹ lành nghề và trang thiết bị hiện đại.

Mổ áp xe thực quản tại khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ảnh TL

Mổ áp xe thực quản tại khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ảnh TL

Từ thực tiễn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, thiết nghĩ ngành y tế cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, để thu hút, đào tạo mới đồng thời giữ được nguồn cán bộ hiện có, nhằm tăng số lượng, chất lượng y bác sỹ, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao y đức gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để “lương y” thực sự là “từ mẫu”. Tiếp tục ban hành các chính sách đãi ngộ đủ sức hấp dẫn đối với các chuyên gia giỏi, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, cán bộ trong ngành theo học các chuyên khoa mà tỉnh đang có nhu cầu, nhất là đối với các chuyên gia đầu ngành và chính sách ưu đãi đối với cán bộ về công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast