Dạy con “ăn lạt” - món quà cha mẹ dành cho con

Vậy làm thế nào để mạch máu chậm bị xơ cứng, giữ được độ đàn hồi? Ngoài lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, chúng ta hoàn toàn có thể nhận diện để đề phòng những “thủ phạm” trốn trong thực phẩm.

Ai cũng đã từng nghe về cao huyết áp có thể gây ra nhiều hệ lụy, nặng đột quỵ, tử vong; còn nhẹ cũng méo miệng, yếu liệt... mà phiền nhất là phải uống thuốc hằng ngày như cơm bữa; nhưng không phải ai cũng biết chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống một tí, ta đã có thể phòng ngừa cao huyết áp rồi. Vì vậy, dù cao huyết áp có nhiều nguyên nhân, hôm nay tôi chỉ xin đề cập mối liên hệ giữa cao huyết áp và và dinh dưỡng mà thôi.

Dạy con “ăn lạt” - món quà cha mẹ dành cho con

Ai cũng có thể bị cao huyết áp

Người bệnh mới phát hiện cao huyết áp lần đầu thường thốt lên: tôi đâu có mập? Tôi chỉ mới có 30 tuổi mà? Tôi đâu có rượu bia? Sao cao huyết áp được? Cứ như là cao huyết áp chỉ dành riêng cho người lớn tuổi, nghiện rượu hay béo phì vậy! Nhưng sự thật là những người gầy, người trẻ vẫn bị nó chiếu cố! Chính vì thế, kiểm tra huyết áp luôn là mục bắt buộc trong khám sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh. Tuy nhiên để xác định cao huyết áp, ngoài số đo huyết áp, cần loại bỏ những yếu tố gây nhiễu (tăng huyết áp sinh lý), xem xét thêm những yếu tố nguy cơ và theo dõi trong một thời gian, bác sĩ mới chẩn đoán “cao huyết áp” để quyết định cho bệnh nhân uống thuốc như thế nào.

Ở người cao huyết áp, mạch máu bị thu nhỏ lại, thành mạch dày lên hoặc xơ cứng làm giảm tính đàn hồi, máu không lưu chuyển bình thường, nên giảm lượng máu đến các cơ quan khác, thành ra khi có thêm những yếu tố khác tác động vào như stress, mang thai, rượu bia, bệnh thận, đái tháo đường, béo phì…, người bệnh cao huyết áp dễ đối mặt với những nguy cơ nguy cơ như trên.

Vậy làm thế nào để mạch máu chậm bị xơ cứng, giữ được độ đàn hồi? Ngoài lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, chúng ta hoàn toàn có thể nhận diện để đề phòng những “thủ phạm” trốn trong thực phẩm.

Muối - thủ phạm gây xơ cứng thành mạch

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng lạm dụng muối ăn có liên quan rất nhiều đến cao huyết áp. Nhu cầu bình thường chỉ cần khoảng 92 - 230mg Natri (tương đương 0,24 - 0,70 g muối ăn) là đủ - nhưng thực tế chúng ta đang ăn nhiều hơn 20 - 50 lần (khoảng 15 - 30g/ngày) (ăn mặn quá!) như một thói quen, để có cảm giác ngon miệng.

Hàng ngày, ngoài bữa ăn chính, ta còn nạp khá nhiều muối cho các món ăn thêm như: trái cây chấm muối, snack các loại và nước chấm ngày càng ngon và đa dạng (nhưng luôn có độ mặn nhất định) khiến mọi người ăn bất kỳ món gì cũng đều muốn “chấm” thêm dù đã nêm nếm vừa miệng => giới hạn muối ăn trong thực phẩm là điều khó khăn nhưng rất cần thiết, nhất là với người bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh thận… Lời khuyên của các nhà dinh dưỡng là người có bệnh chỉ cần khoảng 1g - 2g muối ăn mỗi ngày, còn người bình thường cũng không nên ăn quá 5g muối mỗi ngày (chỉ khoảng 2 muỗng nhỏ nhựa dùng để ăn yaourt mà thôi!).

Nhưng làm thế nào để giữ được hạn mức như thế mà không quá khổ sở vì mất đi sự ngon miệng, giảm vị giác khi ăn lạt? Tốt nhất, chúng ta cần làm quen với chế độ ăn ít muối từ nhỏ. Chính vì vậy ngoài việc chăm cho con cao lớn, cha mẹ nên tập cho con các thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe như ăn lạt, ít muối; biết ăn rau xanh, rau thơm… như một món quà để lại cho con về sau.

Vậy tập ăn ít muối (ăn lạt) như thế nào?

Lý thuyết là vậy, nhưng làm thế nào cân đo được lượng muối vào cơ thể để hạn chế bây giờ? Xin đừng quá căng thẳng, chỉ với vài cách đơn giản như thế này bạn có thể giảm được ½ lượng muối vào cơ thể rồi đây:

- Ăn trái cây không chấm thêm (muối tôm, muối ớt, muối tiêu hay mắm ruốc…).

- Nấu ăn tại nhà: nêm bớt muối, bột nêm, bột canh, nước mắm… còn ướp thức ăn cũng bớt các gia vị có muối như dầu hào, tương hột, chao ..(nhớ giảm từ từ thôi để mọi người làm quen với vị hơi nhạt mà không bỏ ăn nhé) - Có thể theo dõi bằng cách xem chừng 1 bịch muối, chai nước mắm, bột canh, bột nêm dùng trong bao lâu, để tự đánh giá

- Đi ăn ngoài hàng quán, không dùng thêm nước chấm, nước sốt (các loại) hoặc các món phải chấm nên pha loãng nước chấm, nước sốt ra

- Hạn chế dùng các loại khô (khô cá, khô mực, khô bò….) dưa muối, trứng muối…, snack các loại - và các món kho (cá kho, thịt kho nhất là dạng kho khô như thịt kho tiêu…).

Ngoài ra, hạn chế chất béo cũng là biện pháp phòng chống cao huyết áp, vì mỡ máu tăng có thể đóng mảng ở thành mạch (xơ mỡ mạch máu) làm hẹp lòng mạch, lại là một câu chuyện thú vị trong dinh dưỡng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Vậy cao huyết áp “nên” ăn gì trong bữa ăn hàng ngày? Chú trọng ăn các loại thức ăn có nhiều kali (có nhiều trong rau, trái cây như: chuối, khoai, cà chua, bầu bí….) và thức ăn có nhiều chất bảo vệ như vitamin A, vitamin E, vitamin C (rau tươi, trái cây tươi…).

Theo BS. BÍCH THỦY/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast