Ưu tiên nạo vét các tuyến sông để khai thác hiệu quả đường thủy nội địa

(Baohatinh.vn) - Chiều 20/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì buổi làm việc với Cục đường thủy nội địa Việt Nam do Cục trưởng Hoàng Hậu Giang dẫn đầu nhằm đánh giá công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư, đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn Hà Tĩnh.

Ưu tiên nạo vét các tuyến sông để khai thác hiệu quả đường thủy nội địa ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Đề nghị Cục Đường thủy nội địa quan tâm thực hiện các dự án nạo vét các tuyến sông lớn, đầu tư xây dựng các hệ thống bến cảng sông pha biển để thuận tiện cho tàu thuyền hoạt động

Mạng lưới giao thông đường thủy nội địa Hà Tĩnh có tổng chiều dài 437km, mật độ sông là 7,2km/100km2, nhỏ hơn mật độ đường sông trung bình cả nước 28km/100km2. Hiện nay, đường sông do Trung ương quản lý 88,50km, đường sông nội địa do Sở GTVT tỉnh quản lý là 166km, các tuyến còn lại do UBND cấp huyện quản lý. Hầu hết các sông trên địa bàn đều mang đặc trưng chung của miền Trung đó là chiều dài vận tải ngắn, độ dốc lớn…

Các tuyến sông quốc gia do Trung ương quản lý gồm 3 tuyến: sông Nghèn (từ cầu nghèn đến Cửa Sót) dài 38,5km, là tuyến sông cấp III còn gọi là sông pha biển; sông La (đoạn từ ngã ba Linh Cảm đến Núi Thành) dài 13km, là tuyến sông cấp III; sông Rào Cái (đoạn từ ngã ba Sơn đến thị trấn Cẩm Xuyên) dài 37km, là tuyến sông cấp IV.

5 tuyến sông khác từ cấp VI trở lên được giao cho UBND tỉnh quản lý. Toàn tỉnh cũng có 3 cảng thủy nội địa và 13 bến thủy nội địa được người dân quen gọi là bến đò ngang.

Về công tác quản lý, các tuyến sông do Trung ương thực hiện được đảm bảo, khai thác có hiệu quả, công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy được thực hiện đầy đủ; các tuyến sông do UBND tỉnh quản lý, do đặc thù ngắn và dốc, vào mùa khô có nhiều đoạn sông bị cạn, do đó hiệu quả khai thác không cao, hơn nữa nguồn kinh phí quản lý do tỉnh cấp nhưng hạn hẹp nên hệ thống báo hiệu chưa đầy đủ, một số đoạn tuyến bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét; các tuyến cấp huyện chưa có kinh phí để quản lý, bảo trì nên khả năng khai thác thấp; các bến đò ngang hiện đã được UBND tỉnh đầu tư kinh phí để nâng cấp bến, đóng mới thuyền để chở người qua sông đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa được quan tâm đúng mức, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn không xẩy ra TNGT đường thủy nội địa. Hoạt động tuyên truyền thường xuyên được chú trọng, hàng năm, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các cấp, ngành tổ chức cấp phát áo phao, cặp phao cho học sinh và giáo viên đến trường bằng đò ngang.

Nhằm đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả trong công tác vận tải hàng hóa đường sông, nhiều ý kiến kiến nghị với Cục Đường thủy Việt Nam cho lập Dự án nạo vét luồng lạch sông Nghèn đoạn từ cầu Hộ Độ đến Cửa Sót, đồng thời bổ sung hệ thống biển báo hiệu, phao tiêu nhất là tại các vị trí cầu bắc qua sông; riêng trên sông La cho trục vớt các bụi tre bị lũ cuốn từ năm 2010 trôi về và nằm rải rác giữa luồng gây khó khăn và mất an toàn giao thông cho các phương tiện thủy nội địa lưu thông.

Tuyến sông Lam đoạn qua Núi Thành đến cầu Bến Thủy 1 và từ cầu Bến Thủy 1 đi Cửa Hội thuộc địa phận Hà Tĩnh nhưng lại thuộc sự quản lý của Nghệ An nên Cục Đường thủy nội địa cần phân định rõ ràng để khi có cấp phép mở bến hoặc mất ATGT thì có tránh nhiệm chủ trì trong công tác cứu hộ.

Ngoài ra, cần có phương án phối kết hợp với địa phương tổ chức nạo vét kênh nhà Lê đi qua địa bàn Hà Tĩnh.

Ưu tiên nạo vét các tuyến sông để khai thác hiệu quả đường thủy nội địa ảnh 2
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tặng quà lưu niệm cho UBND tỉnh Hà Tĩnh

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hậu Giang ghi nhận kiến nghị của các đại biểu. Cục sẽ nghiên cứu và khảo sát để tiến hành nạo vét các tuyến sông do Trung ương ủy thác, đồng thời nghiên cứu đầu tư nâng cấp các bến cảng và cửa sông để phát huy hiệu quả dịch vụ vận tải tàu pha sông biển. Đề nghị tỉnh có quy hoạch, kêu gọi nhà đầu tư vào xây dựng các cảng biển để phục vụ cho việc vận tải hàng hóa đường thủy nội địa và tàu pha sông biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, với xu thế phát triển như hiện nay, lĩnh vực giao thông đường thủy chiếm một ưu thế rất quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, các cửa sông nối ra biển đều được tỉnh quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa. Đối với công tác đảm bảo an toàn tại các bến đò ngang, các đò ngang chở khách qua sông, tỉnh chú trọng tuyên truyền và trang cấp đóng mới phương tiện cho các địa phương cũng như đầu tư nâng cấp các bến đò ngang đảm bảo an toàn.

Về hệ thống cảng biển, Hà Tĩnh đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nâng cấp các hệ thống cảng biển đáp ứng tàu nhiều vạn tấn ra vào an toàn; các dịch vụ hậu cảng cũng được tỉnh quan tâm và phục vụ đầy đủ cho các tàu lớn ra vào cảng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Cục Đường thủy nội địa cần quan tâm thực hiện các dự án nạo vét các tuyến sông lớn, đầu tư xây dựng các hệ thống bến cảng sông pha biển để thuận tiện cho tàu thuyền ra vào; quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư kinh phí quản lý các tuyến sông được ủy thác; khảo sát nạo vét khơi thông luồng lạch kênh Nhà Lê để kết nối với các sông lớn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast