Xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành Công viên địa chất toàn cầu

Tỉnh Hà Giang đang chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu. Điều này sẽ giúp Hà Giang đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, văn hoá và mạo hiểm, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, xóa đói giảm nghèo, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng miền cả nước.

Hai chị em lên nương.
Hai chị em lên nương.

Đây cũng chính là mục đích của cuộc hội thảo quốc tế 2 ngày mang tên Xây dựng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn khai mạc sáng nay 11-9 tại Đồng Văn, Hà Giang do UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo , đồng chí Hoàng Minh Nhất, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo mọi điều kiện cho nhân dân các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn vừa gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị hiện hữu, đồng thời có quy hoạch bố trí cho đồng bào tiếp tục canh tác những cây trồng thích hợp vừa bảo vệ môi trường sống, vừa là nguồn lương thực sinh sống cho đồng bào. Đồng chí Hoàng Minh Nhất cam kết tỉnh Hà Giang sẽ giữ gìn sự nguyên vẹn tự nhiên của Cao nguyên đá Đồng Văn. Ông nói: “Cao nguyên đá huyền thoại và bí ẩn đang mong chờ các nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu”.

Các đại biểu dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

Thông tin về Cao nguyên đá Đồng Văn

* Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích khoảng 2300 km2 với dân số hơn 250 nghìn người , là mảnh đất địa đầu Tổ quốc có 17 dân tộc anh em sinh sống, như Mông, Tày, Lô Lô, Pu Péo, Giáy… rất giàu các giá trị thiên nhiên và văn hóa.

* Qua khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện được gần 40 điểm di sản hoặc điểm có giá trị tài nguyên có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, trong đó có bảy di sản về tiến hóa trái đất, ba điểm quan sát toàn cảnh, bảy điểm về vườn đá, rừng đá, sáu điểm di sản về vách đá dốc đứng cao từ 200m-300m tới hơn 600m, bảy di sản về hang động, 5 di sản về các trũng kiến tạo-karst, ba điểm bảo tồn cổ sinh học….phản ánh rõ nét sự tiến hoá vỏ trái đất đặc trưng cho đới nền động bị biến đổi mạnh trong đại Paleozoi sớm giữa.

* Đá phong hóa lâu năm mang đến cho cao nguyên đá một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, với những hẻm vực sâu vào loại nổi tiếng thế giới như hẻm vực Nho Quế, nhiều đỉnh núi cao, nhọn hoắt có dáng núi vào dạng hiếm trên thế giới, và rất nhiều các hang động đẹp,….

* Ngoài những giá trị địa chất, giá trị thiên nhiên, nơi đây còn mang đậm những nét văn hóa rất riêng của bà con các dân tộc. Trong suốt quá trình lịch sử, tập quán sinh hoạt và canh tác của đồng bào luôn gắn bó với đá núi, tạo thành những nét văn hóa độc đáo của vùng đất này.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà ngoại giao, nhà khoa học, quản lý trong nước và nước ngoài. Các vị Đại sứ Malaysia, Bỉ, Italy đều đánh giá cao các giá trị địa chất, vẻ đẹp thiên nhiên và văn hoá của Cao nguyên đá Đồng Văn và bày tỏ sự quan tâm hợp tác, giúp đỡ xây dựng Công viên địa chất đầu tiên ở Việt Nam. Ngài đại sứ Italy tại Việt Nam cho biết, ngay sau khi dự hội thảo này về ông sẽ liên hệ với bốn công viên địa chất của nước này để xem các công viên này có thể hợp tác được gì giúp Việt Nam.

Bản người Mông.
Bản người Mông.

Công viên địa chất vẫn còn là một khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam. Hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cho vấn đề này. Chính vì vậy sự giúp đỡ hợp tác của các Công viên địa đất quốc tế là hết sức quý báu.

Giáo sư Michiel Dusar (Sở địa chất Vương quốc Bỉ) cho rằng bảo tồn công viên địa chất phải hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa, phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng. Ông lưu ý: “Muốn khai thác công viên địa chất cần hài hòa các lợi ích của các bên tham gia, vì nhiều khi các bên không có cùng lợi ích”. Ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải coi trọng bảo tồn bản sắc văn hóa. Ông cảnh báo, sẽ có một số hành vi, phương thức canh tác bị cấm vì ảnh hưởng xấu đến môi trường, và việc này sẽ là một trở ngại trong quá trình bảo tồn công viên địa chất.

Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký UNESCO Việt Nam đánh giá việc lập hồ sơ để được công nhận là Công viên địa chất Đồng Văn đang theo đúng quy trình và tiêu chí của UNESCO đặt ra. Tuy nhiên theo ông Châu, trong hồ sơ chúng ta cần phải có kế hoạch cụ thể để quản lý sau khi Công viên đá Đồng Văn được công nhận để phát triển bền vững. UNESCO cũng quan tâm đến những biện pháp tuyên truyền, giáo dục bảo vệ Công viên địa chất.

Cõng đá làm nhà.

Cõng đá làm nhà.

Ông Châu cho rằng, cách ứng xử của cộng đồng với Công viên địa chất rất quan trọng, vì vậysơ cũng phải giới thiệu được những biện pháp bảo vệ, không chỉ từ phía các cấp chính quyền địa phương, mà phải có cả những biện pháp từ các cộng đồng dân cư sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Cuối cùng ông Châu lưu ý, hồ sơ cần nộp đúng hạn và hy vọng tháng 4-2010, hội nghị UNESCO diễn ra tại Malaysia sẽ công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu.

Công viên địa chất là gì?

Công viên địa chất là một vùng với những giới hạn rõ ràng và có diện tích đủ rộng để đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nó bao gồm một số điểm di sản địa chất nào đó ở mọi quy mô, hay một bức thảm thực vật địa chất có tầm quan trọng khoa học đặc biệt, hiếm có và đẹp, tiêu biểu cho một khu vực và lịch sử địa chất của khu vực đó, cho những sự kiện hay các quá trình lịch sử tự nhiên. Nó không chỉ có ý nghĩa địa chất mà còn có giá trị sinh thái, khảo cổ, lịch sử hay văn hóa. Những lợi ích tiềm năng khi thành lập một Công viên địa chất là: du lịch tăng trưởng; Tạo việc làm cho cộng đồng địa phương; Công nhân khai thác mỏ quay lại làm việc; Gia tăng nhận thức về môi trường địa chất cho người dân; Bảo vệ tốt hơn những vị trí nhạy cảm.

Nguồn: Báo Nhân dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast