Thủ tướng: "Thủ tục rườm rà, lót tay, tiêu cực..."

Trước tình trạng các bộ chậm chạp trong rà soát các điều kiện kinh doanh, chưa thực sự quan tâm đến tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải giữ kỷ cương phép nước đi liền với xóa bỏ những rào cản với sản xuất, kinh doanh.

Sáng nay (25/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ đầu tiên bàn về tháo gỡ vướng mắt trong thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, tinh thần của cuộc họp này là tập trung xử lý những vấn đề bất cập liên quan đến quá trình triển khai hai đạo luật trên, với tinh thần là ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu phải tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, đến ngày 12/4, cơ quan này mới chỉ nhận được báo cáo tình hình triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư của 18 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo cáo rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh của 8 bộ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KHĐT thì vẫn chưa thống nhất trong cách hiểu của các bộ, cơ quan về nội hàm "điều kiện đầu tư kinh doanh". Chưa có sự phối hợp rõ nét giữa các bộ có liên quan trong soạn thảo, kiến nghị ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như trong quản lý nhà nước đối với các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ khác nhau.

Cụ thể, ông Dũng chỉ ra rằng, một số bộ vẫn tiếp tục ban hành Thông tư có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sau ngày 1/7/2015. Thậm chí có nghị định ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh đối với cả ngành, nghề không được quy định tại Danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng cho biết thêm, hiện tại có tình trạng một số luật, có cả luật mới có hiệu lực sau ngày 1/7/2015 có quy định giao trực tiếp cho các Bộ trưởng có liên quan ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

"Các vấn đề, vướng mắc nói trên đã và đang làm cho việc triển khai thi hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, một nội dung đổi mới cơ bản của Luật Đầu tư, còn nhiều lúng túng, chưa kịp thời và nhất quán đúng theo nội dung của Luật. Các văn bản quy định về điều kiện kinh doanh không được ban hành kịp thời và có chất lượng sẽ vừa không cải thiện được môi trường kinh doanh, vừa không nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước như mong đợi" - ông Dũng cho hay.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, ngay trong Bộ TNMT, các tổng cục còn gắn quyền của mình khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước thực trạng mà ông Hiển nêu, Thủ tướng đánh giá, thủ tục phiền phức nhất và lỗ hổng quản lý nhất chính là môi trường mà chẳng ai chịu trách nhiệm. “Tôi rất buồn. Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ. Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm, quá nhiều thủ tục rườm rà. Qua lần này phải tháo gỡ vướng mắc và quản lý rất chặt về môi trường, đất đai công; đây là vấn đề rất đau đầu của đất nước hiện nay” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục cho rằng, việc rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn chậm, nguy cơ tạo ra "khoảng trống pháp lý" sau ngày 1/7/2016 (theo quy định của Luật đầu tư, sau thời điểm này, các điều kiện kinh doanh do các Bộ, địa phương ban hành không đúng thẩm quyền sẽ hết hiệu lực). Trong khi đó, một số cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức chưa dành sự quan tâm cần thiết cho việc tổ chức thi hành luật và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Thủ tướng cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ trưởng, trong tháng 4 phải có báo cáo đầy đủ điều kiện kinh doanh của mỗi bộ. Đến ngày 30/5 phải trình được Nghị định hướng dẫn và không có ngoại lệ. Các Bộ sẽ phải chịu trách nhiệm trước vấn đề này.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo: "Chúng ta một mặt phải giữ kỷ cương phép nước, nhưng mặt khác cần xoá bỏ những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Các bộ ngành không thể vì quyền hạn của bộ mình mà làm trái, làm mất hiệu lực của hai đạo luật Quốc hội đã ban hành".

Theo Dân trí

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast