Tăng trưởng tín dụng năm 2011 khó đạt mục tiêu

Theo báo cáo nhanh của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm trên địa bàn chỉ đạt gần 4,7% so với đầu năm. Chỉ còn 5 tháng nữa là năm 2011 đã khép lại, liệu tình hình đầu tư tín dụng có được cải thiện. Đây thực sự là câu hỏi khó không chỉ đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Lãi suất cao - đầu tư tín dụng chật vật

Còn nhớ, đầu năm 2011, khi Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra đời yêu cầu tất cả các TCTD nghiêm túc thực hiện việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngành Ngân hàng tỉnh ta đã không khỏi băn khoăn: với mức trần khá khiêm tốn này, đầu tư tín dụng có đáp ứng nhu cầu nền kinh tế địa phương? Thế nhưng, diễn biến của hoạt động ngân hàng từ đầu năm đến nay đã đi ngược lại với dự kiến ban đầu.

Trong bối cảnh khó khăn, nguồn vốn huy động 7 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng vẫn tăng trưởng 16,63%

Trong bối cảnh khó khăn, nguồn vốn huy động 7 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng

vẫn tăng trưởng 16,63%

Mặc dù nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ta vẫn tăng trưởng khá-16,63%, gấp 4 lần so với trung bình chung toàn quốc nhưng đầu tư tín dụng trên địa bàn lại thấp hơn 1,5 lần và so với các tỉnh lận cận, con số này của chúng ta thấp hơn nhiều. Theo nhận định của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thì mức tăng này là quá thấp so với năm trước và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế địa phương.

Nguyên nhân của tình trạng này là do lãi suất huy động vốn từ đầu năm đến nay không ngừng tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng cao, cùng với đó là nhu cầu vốn của một số khách hàng giảm trước những khó khăn của lạm phát kinh tế. Bên cạnh đó, đầu tư tín dụng 7 tháng đầu năm đạt thấp còn là do các TCTD thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về giảm dư nợ phi sản xuất nên đã thu hồi các món vay cũ và hạn chế cho vay mới đối với lĩnh vực này.

Số liệu tổng hợp về tình hình cho vay 7 tháng đầu năm của các TCTD trên địa bàn cho thấy, trong số các ngân hàng chiếm thị phần hoạt động chủ lực, ngoại trừ Vietcombank Hà Tĩnh đã cho vay vượt trần tăng trưởng tín dụng do ngân hàng TƯ giao- tăng gần 15,5%, còn lại các đơn vị khác đều tăng dư nợ rất chậm.

Đặc biệt Ngân hàng No & PTNT- đơn vị có dư nợ chiếm 50% trong tổng dư nợ trên địa bàn lại hết sức khó khăn trong đầu tư tín dụng. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Võ Văn Chân cho biết, mặc dù từ đầu năm tới nay đơn vị đã tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh đầu tư tín dụng nhưng tình hình cho vay cũng không có chuyển biến. Thực tế là mức lãi suất cho vay 20%/năm như hiện nay là quá cao đối với đối tượng khách hàng là nông dân.

Phần lớn các TCTD đều thừa nhận rằng lãi suất cao chính là nguyên nhân cốt lõi tạo nên “bức tường lửa” giữa ngân hàng và khách hàng vay vốn trong thời gian gần đây.

Ông Hoàng Viết Ngãi- Giám đốc Ngân hàng CP Công thương cho rằng, nếu vay vốn để sản xuất- kinh doanh trong thời điểm này, doanh nghiệp phải đạt được lợi nhuận trên 35 % thì mới đủ khả năng trả lãi cho ngân hàng.

Còn ông Nguyễn Hữu Lực- Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, vẫn còn nhiều khách hàng đang có nhu cầu vay vốn nhưng vấn đề khiến ngân hàng lo ngại nhất là rủi ro sẽ tiềm ẩn đối với những dự án kinh doanh vay vốn với lãi suất 19-20%/năm.

Theo nhiều ngân hàng khác, đây cũng chính là lý do chung khiến cho đầu tư tín dụng không thể tăng trưởng mặc dù ngân hàng vẫn chủ động nguồn và chưa chạm trần tăng trưởng tín dụng.

Khó đạt mục tiêu

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh khẳng định, mục tiêu hàng đầu của toàn ngành Ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2011 là tập trung tăng trưởng dự nợ, ít nhất phải đạt được tốc độ tăng trưởng 10% so với đầu năm. Tuy nhiên, diễn biến của nền kinh tế hiện nay khiến ngay cả những chuyên gia trong ngành vẫn lo ngại mục tiêu khiêm tốn này vẫn khó về đích.

Nếu như vào đầu tháng 6, thị trường đã phát đi tín hiệu về giảm lãi suất khi lãi suất liên ngân hàng giảm khá ổn định và một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động xuống 0,5-1%, thì đến đầu tháng 7, hi vọng đó đã tắt khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt. Với tốc độ tăng 1,17% sau 2 tháng chững lại, mức tăng CPI trong 7 tháng đầu năm đã được nâng lên 14,6%. Cùng với nhiều yếu tố bất lợi đang hiện hữu đối với việc bình ổn giá, kiếm chế lạm phát và quy luật tăng giá cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát có thể tăng trong những tháng tiếp theo.

Và để tiếp tục mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngành Ngân hàng sẽ phải tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát tín dụng một cách chặt chẽ. Tất cả những yếu tố này đang tạo áp lực lớn đối với công tác huy động vốn bằng đồng Việt Nam của các TCTD. Cuộc đua lãi suất để giành, giữ nguồn vốn huy động giữa các ngân hàng không chỉ đối với tỉnh ta mà trên toàn quốc vì thế vẫn chưa có hồi kết. Lãi suất cho vay những tháng tiếp theo khó có cơ hội giảm để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn.

Vay vốn để thu mua nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất khẩu là một trong những khó khăn lớn nhất của HTX chế biến nông sản xuất khẩu Thành Sen

Vay vốn để thu mua nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất khẩu là một trong những

khó khăn lớn nhất của HTX chế biến nông sản xuất khẩu Thành Sen

Thời điểm từ nay đến cuối năm thông thường là giai đoạn nước rút trong đầu tư tín dụng. Khách hàng vay vốn, đặc biệt là doanh nghiệp sẽ cần một lượng vốn để dồn sức đẩy mạnh SXKD những tháng cuối năm. Theo quy luật thì đây là giai đoạn mà ngân hàng và doanh nghiệp thường bắt tay chặt nhất để cùng hướng tới mục tiêu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trong năm.Tuy nhiên, khi lãi suất vẫn đang ở “trên trời” như hiện nay, hai bên sẽ rất khó tìm được tiếng nói chung.

Để tháo gỡ khó khăn này, tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư tín dụng, nên chăng tỉnh cần nghiên cứu việc ban hành chính sách hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp và hộ nông dân có những dự án SXKD khả thi, vừa tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế địa phương vừa góp phần quan trọng cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast