Ngàn Sâu mùa đất lở

Hà Tĩnh Online - Mỗi năm mùa mưa lũ về, người dân xã miền núi Hương Trạch (Hương Khê) lại phải đối mặt với nạn lở đất khủng khiếp. Đặc biệt là từ sau trận lũ quét lịch sử đầu tháng 8/2007, sông Ngàn Sâu đổi dòng, tạo nên nhiều khúc cua thì tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng.

NGHE MƯA LÀ… CHẠY

Xóm đạo Kim Sơn nằm trên doi đất kéo dài dọc bờ tả ngạn thượng nguồn sông Ngàn Sâu, tách biệt với các xóm khác của xã Hương Trạch. Sông Ngàn Sâu góp nước từ các đỉnh cao của dãy Trường Sơn và Trà Sơn, sau khi vượt qua địa phận tỉnh Quảng Bình, cuồn cuộn đổ về tạo nên lưu vực sông phía bờ hữu, làm cho doi đất kéo dài chừng một cây số phía tả ngạn thuộc xóm đạo Kim Sơn phải chịu một áp lực bị xói mòn rất lớn.

Sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua xóm Kim Sơn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở.

Sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua xóm Kim Sơn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở.

Bà Hoàng Thị Đào, 50 tuổi, cho biết, ngày bà về làm dâu xứ đạo này đến nay đã ngót ba chục năm, con sông Ngàn Sâu lúc ấy chỉ rộng chừng vài chục mét. Do bị dòng chảy xói mòn, sông Ngàn Sâu hiện chia cắt đôi bờ chừng vài trăm mét, gấp khoảng chục lần trước đây.

Ngày trước, vườn nhà bà Đào thuộc lối đất thứ 3 tính từ bờ sông vào, phía ngoài còn có 9 hộ láng giềng nhưng do đất vườn bị sông cuốn trôi nên các hộ này đã phải di dời đi định cư nơi khác. Riêng nhà bà Đào đã bị sông Ngàn Sâu “nuốt chửng” mất chừng 100m đất chiều ngang và đã hai lần gia đình bà phải dời nhà do đất lở.

Lần dời nhà gầy đây nhất là sau trận lũ lịch sử cuối năm 2007, để cho chắc ăn, gia đình bà dựng nhà sát mặt đường liên thôn, cách bờ sông gần 300m, thế nhưng sau hai mùa lũ, dòng chảy của sông Ngàn Sâu đã lấn vào phần đất của bà gần 100m. Bà Đào chỉ vào bậc ta-luy cao hàng chục mét từ vườn nhà bà xuống sát mép nước, ngán ngẩm lắc đầu: “Cứ đến mùa lũ là đất lở ầm ầm như bom Mỹ thời chiến tranh. Chúng tôi đã dùng tre để kè chắn nhưng chẳng bỏ bèn gì. Xóm đạo Kim Sơn lại nằm trên doi đất cuối xã, rất dễ bị nước lũ chia cắt nên hễ nghe mưa là dân làng lại bỏ của chạy người đi lánh nạn. Cứ đà này e chừng vài năm nữa sẽ không còn một tấc đất cắm dùi…”.

NỖI LO TRƯỚC MÙA MƯA BÃO

Anh Cao Giáp, một người dân xóm Tân Thành sống gần eo sông Ngàn Sâu, cho biết: “Tân Thành là xóm duy nhất của xã Hương Trạch nằm bên bờ hữu ngạn. Những năm trước đây, dòng sông này thật hiền hoà, luôn mang phù sa bồi đắp, vì vậy những vườn ngô, đậu luôn xanh tốt, nhờ đó mà gia đình anh làm ăn khấm khá lên. Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân nơi đây không sao ăn ngon, ngủ yên, luôn nơm nớp lo sợ trước nạn lở đất dọc bờ sông.

Năm 2005, cấp trên đã đầu tư xây tràn ngăn lũ nối xóm Tân Thành với trung tâm xã nhưng trận lũ cuối năm 2007 đã cuốn trôi một phần nên hai mùa lũ gần đây, Tân Thành tiếp tục bị cô lập như một ốc đảo.”

Riêng gia đình anh Giáp sở hữu mảnh vườn hơn 4 sào đất nhưng chỉ trong hai năm trở lại đây dòng sông Ngàn Sâu đã “nuốt chửng” mất gần nửa diện tích, bây giờ chỉ còn vẻn vẹn hơn 1,5 sào đất bạc màu, gia đình lại túng quẫn, con cái không có tiền để học hành.

Gần đây, khi UBND huyện Hương Khê triển khai dự án xây kè chống sạt dọc xóm Tân Thành, anh Giáp phải giải toả 120m2 đất vườn và một số cây cối thì nguồn đất sản xuất của anh càng bị thu hẹp lại. Phần đền bù cây và hoa màu anh đã nhận, còn phần đất phải giải toả anh và một số gia đình chưa chịu bàn giao cho nhà đầu tư do chưa thống nhất được phương án đền bù.

Dự án xây kè chống sạt Tân Thành do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư là một dự án dân sinh cực kỳ bức thiết, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của người dân địa phương. Sẽ không có gì để nói nếu như câu chuyện đền bù giải phóng mặt bằng được thực hiện công khai, dân chủ, thống nhất từ đầu.

Kè chống sạt lở ở xóm Tân Thành đang được gấp rút thi công.

Kè chống sạt lở ở xóm Tân Thành đang được gấp rút thi công.

Bí thư Đảng uỷ xã Hương Trạch Trần Minh Lục, cho biết: “Có 23 hộ dân xóm Tân Thành nằm trong diện phải giải toả một phần đất vườn để xây kè chống sạt nhưng đến cuối tháng 6-2009, khi dự án này đã triển khai được gần 2 tháng vẫn còn 6 hộ dân không chịu bàn giao đất cho nhà thầu thi công. Sở dĩ có sự chống đối này là do chủ dự án và người dân chưa thống nhất được phương án đền bù giải phóng mặt bằng”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư thông báo sẽ thu hồi không số đất của dân nằm trong diện phải giải toả. Các cấp chính quyền địa phương đã họp thống nhất với dân phương án này, và vì lợi ích chung, người dân đồng tình bàn giao phần đất nằm trong vùng ảnh hưởng.

Khi dự án sắp triển khai, không hiểu tại sao BQL dự án lại thông báo là sẽ đền bù cho dân 50% thiệt hại. Tiếp đó, xã Hương Trạch có công văn đề nghị và BQL dự án chấp nhận đền bù 100%. Quá trình thực hiện đền bù phần cây cối bị thiệt hại, BQL dự án giao cho xã Hương Trạch thực hiện và số tiền người dân được nhận bằng 70% giá trị thiệt hại. Khi người dân nêu vấn đề thì được xã giải thích là “chỉ xin được chừng ấy tiền thì đền bù chừng ấy!?”.

Chính sự không nhất quán của BQL dự án và sự giải thích không rõ ràng của “ông xã” đã tạo nghi ngờ trong nhân dân, nên khi áp giá đền bù đất, một số hộ dân đã không chịu ký. Khi chúng tôi nêu vấn đề, anh Cao Giáp nói thẳng: “Sự thiếu nhất quán của BQL dự án khiến chúng tôi nghi ngờ trong việc áp giá đền bù GPMB thiếu minh bạch. Chính vì thế, tôi không tin tưởng để ký giấy nhận tiền mà yêu cầu BQL dự án đền đất cho gia đình tôi duy trì sản xuất”.

Theo thị sát của chúng tôi, trên toàn tuyến sông Ngàn Sâu, tình trạng sạt lở kéo dài từ đầu nguồn giáp ranh giữa tỉnh Quảng Bình chảy qua địa bàn các xã vùng thượng nguồn huyện Hương Khê, đặc biệt là xã Hương Trạch là rất lớn.

Địa hình của xã Hương Trạch lại nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi Trường Sơn và Trà Sơn, có nhiều khe suối độ dốc lớn nên nguy cơ sạt lở đất càng tiềm ẩn. Không riêng gì xóm đạo Kim Sơn, Tân Thành, nạn lở đất ở các xóm Trung Lĩnh, Ngọc Bội.., cũng kinh hoàng không kém.

Bí thư Lục lo lắng tâm sự: Xã miền núi Hương Trạch có gần 1.700 hộ dân sống phân bổ chủ yếu dọc chiều dài trên 11km thượng nguồn sông Ngàn Sâu. Tình trạng sạt lở đất dọc tuyến sông này ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp tính mạng người dân.

Đặc biệt, toàn xã còn trên 2km chiều dài bờ sông nằm ở các vị trí gấp khúc hàng năm bị sạt lở khủng khiếp với 300 hộ thuộc 4 xóm: Kim Sơn, Ngọc Bội, Tân Dừa, Tân Thành thường bị chia cắt khi có lũ lớn. Vẫn biết sự nguy hiểm cận kề nhưng xã đành bó tay vì khoản kinh phí xây kè chống sạt quá lớn, vượt tầm của địa phương.

Sự lo lắng của người dân là có cơ sở, đặc biệt trong mùa mưa bão cận kề tính mạng của họ thật sự đang bị đe doạ. Tuy nhiên, cũng theo lời ông Lục, đừng vì sự bức thiết của người dân mà xem nhẹ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án dân sinh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast