Căng thẳng chuyện bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh giai đoạn 2016-2019

Làng túc cầu thế giới đang nóng lòng chờ đón trận cầu “Siêu kinh điển” giữa Real và Barca vào ngày 22/11 tới đây. Còn tại Việt Nam, một trận đấu được cho là căng hơn El Clasico đã chính thức được kích hoạt. Đó là trận đấu mang tên bản quyền truyền hình (BQTH).

Theo ông Vũ Quang Huy (ảnh nhỏ), các đơn vị truyền hình Việt Nam rất khó mua trực tiếp BQTH Ngoại hạng Anh
Theo ông Vũ Quang Huy (ảnh nhỏ), các đơn vị truyền hình Việt Nam rất khó mua trực tiếp BQTH Ngoại hạng Anh

HIỆP 1 KHÓ THẮNG

Đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình Premier League giai đoạn 2016-2019 đã gửi hồ sơ mời thầu đến các đối tác tại Việt Nam. Hai hãng truyền hình Sky Sports và BT Sports chính là đơn vị nắm bản quyền truyền hình Premier League trong 3 mùa từ 2016 đến 2019. Con số 5,1 tỷ bảng là giá trị của bản hợp đồng mới, tăng hơn 2 tỷ bảng so với gói giai đoạn 2013-2016. Theo thông báo từ đơn vị nắm bản quyền, việc mở hồ sơ mời thầu chỉ kéo dài trong 2 giờ, từ 17-19h ngày 3/11. Có nghĩa, đến thời điểm này, việc nhận hồ sơ thầu bản quyền giải đấu danh giá cho thị trường Việt Nam đã chính thức khép lại.

Phóng viên báo Bóng đá đã liên lạc với đại diện một loạt nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền để hỏi về việc tham gia đấu thầu BQTH Premier League. Tuy nhiên, không đơn vị nào xác nhận có tham gia trận đấu được cho là căng thẳng này. Có đại diện thì bảo, đây là bí mật kinh doanh nên không thể tiết lộ. Chỉ có ông Vũ Quang Huy, Trưởng ban thể thao của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, một người rất am hiểu cuộc chạy đua giành bản quyền truyền hình là xác nhận: “Chúng tôi không tham gia cuộc chơi này. Nó quá phức tạp và rất ít có cơ hội giành chiến thắng”.

Sự phức tạp mà ông Vũ Quang Huy đề cập ở đây được một chuyên gia về đàm phán bản quyền truyền hình lý giải như sau: “Đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình mở thầu cho thị trường Việt Nam chứ không phải là cho các nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam. Có rất nhiều đơn vị, trong đó có những tập đoàn lớn chuyên kinh doanh, khai thác bản quyền truyền hình tham gia bỏ thầu. Họ mới chính là những người đang nắm cuộc chơi trong tay bởi tiềm lực của mình. Họ không chỉ tham gia đấu thầu thị trường Việt Nam mà còn nhiều thị trường khác nên có tiếng nói với BTC giải và đơn vị nắm bản quyền truyền hình. Thậm chí, thị trường Việt Nam chỉ là một gói trong bản hợp đồng mà các công ty quốc tế ký hợp đồng với đơn vị nắm bản quyền. Vì thế, trong cuộc đấu với những gã khổng lồ, các đối tác tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về uy tín, tài chính cũng như kinh nghiệm”.

HIỆP 2 KHÔN LƯỜNG

Ông Vũ Quang Huy cho biết: “Nếu được phép, chúng tôi sẽ chờ đến hiệp 2 của trận đấu. Có nghĩa là chúng tôi sẽ đấu với các nhà phân phối kiểu IMG hay MP&Silva trước đây. Chúng tôi muốn các đơn vị thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin & Truyền thông là không mua bản quyền bằng mọi giá. Tiếp đó, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, VTV, các đài phát thanh, truyền hình và các đơn vị có liên quan cần thực hiện chỉ đạo của Bộ là phải đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm các mùa giải trước, chủ động sớm hình thành Ban đàm phán mua bản quyền giải ngoại hạng Anh. Ban này gồm các thành viên là một số đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền có nhu cầu mua bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh”.

Đề xuất các nhà đài nên “liên thủ” trong cuộc đấu với những ông lớn có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực về tài chính ở nước ngoài đang được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, để điều này thành sự thật, cần có được một cơ chế ràng buộc để các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tuân theo một cuộc chơi chung. Nhưng, cũng phải nhấn mạnh rằng, cuộc đấu giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam và các đối tác vốn quá lọc lõi không hề đơn giản. Nó đòi hỏi cần có sự đồng lòng từ người trong cuộc, sự định hướng quyết liệt từ cơ quản quản lý và một cơ chế linh hoạt, phù hợp thị trường.

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast