Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, làng nghề trên 400 năm tuổi - mộc Thái Yên ở xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang hối hả với nhiều đơn hàng phục vụ tết Nguyên đán.

Từ tháng 10 âm lịch, nhịp điệu sản xuất tại Công ty TNHH Đồ gỗ Hoàng Lê Bình (Cụm công nghiệp Thái Yên) trở nên khẩn trương, hối hả. Thị trường năm nay chưa sôi động bằng những năm trước song nếu đặt trong bối cảnh một năm khó khăn về dịch bệnh, thiên tai như 2020 thì vẫn cho thấy sự hồi sinh tích cực.

Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm

Chị Hồng cùng các công nhân của Công ty TNHH Đồ gỗ Hoàng Lê Bình liên tục tăng ca, làm đêm để kịp tiến độ giao hàng trước tết.

Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn 7, xã Thanh Bình Thịnh) cho hay: “Công việc chính của tôi là đánh nhám sản phẩm. Nhiều ngày qua, tôi cùng 15 công nhân của doanh nghiệp đều tăng ca, làm đêm để kịp hoàn thành hơn 20 sản phẩm, bàn giao trước tết cho khách. Khối lượng công việc nhiều, thời gian kéo dài tuy vất vả song bù lại thu nhập sẽ tăng lên”.

Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm
Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm

Sản phẩm bộ bàn ghế sofa của Công ty TNHH Đồ gỗ Hoàng Lê Bình được công nhận OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc công ty TNHH Đồ gỗ Hoàng Lê Bình cho biết: “Năm 2020, doanh nghiệp có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao gồm bộ bàn ghế sofa, giường nằm và tủ kệ.

Xây dựng được thương hiệu thì việc tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi thuận lợi hơn, sức mua tăng khoảng 30% so với trước. Riêng dịp tết Tân Sửu này, doanh thu của chúng tôi ước đạt trên 7 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ 2019”.

Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm

Chị Cao Nga (TP Vinh - Nghệ An) tin tưởng vào làng nghề Thái Yên nên đến đây để mua sắm bàn ghế.

Chị Cao Nga (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Gia đình đang sửa nhà để kịp đón tết nên nội thất cũng được chúng tôi thay mới để phù hợp với không gian. Được bạn bè giới thiệu, tôi đã tìm đến làng mộc này để chọn mua bộ sofa gỗ đỏ trị giá 45 triệu đồng. Sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao nên chúng tôi rất yên tâm về chất lượng và hài lòng về tính thẩm mỹ”.

Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm

Hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại làng mộc Thái Yên hiện đang bận rộn cho vụ sản xuất lớn nhất năm.

Thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại làng mộc Thái Yên đều đang bận rộn cho vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Các cơ sở sản xuất phải tuyển thêm lao động để kịp tiến độ.

Ông Nguyễn Viết Soái – Giám đốc Doanh nghiệp đồ gỗ Thiên Soái thông tin: “Sản phẩm chủ lực của chúng tôi là bàn thờ, sofa, tủ kệ, giường nằm… Kiểu dáng năm nay thiên về sự đơn giản, gọn nhẹ, không quá nhiều chi tiết cầu kỳ song vẫn sang trọng, tinh tế. Để giữ khách hàng, chúng tôi kiên quyết “nói không” với hàng trà trộn kém chất lượng. Do vậy, ngoài khách lẻ, năm nay chúng tôi còn nhận hợp đồng liên kết sản xuất với một số doanh nghiệp như: Bảo Toàn (TP Hà Tĩnh), Song Biển (TP Vinh – Nghệ An)".

Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm

Từ khi cụm công nghiệp được đầu tư, việc sản xuất kinh doanh đồ gỗ của làng nghề Thái Yên quy củ, hiện đại hơn.

Ông Nguyễn Khắc Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh cho biết: “Chạy theo lợi nhuận, có những thời điểm (giai đoạn 2017 – 2018), nhiều hộ sản xuất đồ gỗ trên địa bàn đã trà trộn hàng mộc từ các địa phương khác về bán, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng về mộc Thái Yên.

Để giữ thương hiệu của làng nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân thấy rõ tác hại của việc kinh doanh gian dối. Việc nhập hàng kém chất lượng về bán không chỉ làm mai một làng nghề mà còn đánh mất cơ hội việc làm của người lao động địa phương. Nếu tiếp diễn lâu dài thì khách hàng có thể “quay lưng" với mộc Thái Yên”.

Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm

Hiện nay, trên 70% hộ sản xuất đã chuyên tâm bảo vệ thương hiệu mộc Thái Yên.

Cũng theo ông Chiến, địa phương cũng đã phối hợp với Sở Công thương mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho người sản xuất. “Mưa dầm thấm lâu”, hiện nay, trên 70% hộ sản xuất đã chuyên tâm bảo vệ thương hiệu.

Nguồn thu từ gỗ của làng nghề mộc Thái Yên đã gia tăng. Năm 2020, doanh thu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của xã Thanh Bình Thịnh đạt 362,67 tỷ đồng, trong đó riêng làng mộc Thái Yên chiếm khoảng 70%.

Làng mộc trên 400 tuổi ở Hà Tĩnh hối hả vào vụ sản xuất sôi động nhất năm

Hội Nghề mộc Thái Yên có đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Chủ tịch Hội Nghề mộc Thái Yên chia sẻ: “Năm 2018, hội được thành lập và đến nay đã có trên 100 hội viên tham gia. Tháng 3/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”. Nhìn chung, các thành viên của hội đã có ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát triển thương hiệu, kiên quyết “nói không” với việc nhập sản phẩm từ miền Bắc về bán.

Ngoài ra, hội đã được tập huấn, tham quan các làng nghề trong nước để đúc rút kinh nghiệm. Hiện nay, đồ gỗ Thái Yên vừa mang nét đẹp truyền thống với sự chắc chắn vừa kết hợp nét thẩm mỹ hiện đại tạo nên sự sang trọng, tinh tế”.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast