Chuyện “lạ” trong trồng rừng sản xuất

(Baohatinh.vn) - Lâu nay, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn trồng rừng sản xuất (keo tràm) với chu kỳ rút ngắn, mật độ trồng cao gấp đôi, gấp ba, thậm chí là 4 lần định mức nhưng hiệu quả sản xuất vẫn cao và hạn chế được rủi ro do thiên tai. Đây không là câu chuyện “đúng - sai”, “phản khoa học”, hay “làm liều, làm ẩu”... mà là vấn đề đáng suy ngẫm trong việc sản xuất phải dựa trên điều kiện thực tiễn canh tác phù hợp.

chuyen la trong trong rung san xuat

Từ kinh nghiệm và hiệu quả sản xuất nên hiện nay đại đa số người trồng rừng sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh đều thực hiện trồng với mật độ dày

Hà Tĩnh hiện có khoảng 354.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng sản xuất và rừng trồng vì mục đích kinh tế đang tăng nhanh trong vài năm gần đây, nhất là trồng keo nguyên liệu. Theo khuyến cáo, định hướng của các nhà chuyên môn cũng như các đề tài khoa học về phát triển rừng sản xuất, để cây phát triển tốt và đảm bảo hiệu quả kinh tế thì chỉ nên trồng với mật độ 1.000 - 1.600 cây/ha; đối với những vùng đất thuận lợi về địa hình, khí hậu và trồng keo làm nguyên liệu băm dăm thì có thể cao hơn nhưng không nên quá 2.500 cây/ha.

Ngoài ra, thời gian thực hiện một chu kỳ trồng rừng cũng được khuyến cáo nên kéo dài 6-7 năm hoặc lâu hơn nữa. Thế nhưng, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ nhiều năm nay, các chủ rừng trên địa bàn đang thực hiện ở mức từ 4.000-4.500 cây/ha và thời gian được rút ngắn xuống 5-6 năm/chu kỳ, thậm chí, rất nhiều nơi chỉ còn 4-4,5 năm/chu kỳ...

Việc trồng rừng với mật độ dày được chị Lê Thị Hường (Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) thực hiện. Chị cho rằng: Khi trồng dày thì thời gian khép kín tán của cây sẽ nhanh hơn, dẫn tới công chăm sóc ở giai đoạn đầu sẽ được rút ngắn và số lượng thực bì dưới gốc cây phải dọn dẹp ít hơn do khi keo khép kín tán thì thực bì không phát triển được. Khi xẩy ra gió bão, trồng dày sẽ hạn chế được cây nghiêng, gãy đổ vì nó sẽ tựa vào nhau và cản được gió.

“Mỗi ngày, công trồng rừng là 200.000 đồng và mỗi người sẽ trồng được từ 420-500 cây. Thực hiện trồng 1 ha rừng với mật độ từ 4.500-5.000 cây thì tiền công cao hơn so với trồng thưa khoảng 1-1,2 triệu đồng. Về cây giống, với mức giá từ 500-600 đồng/cây như hiện nay thì chi phí mua cây giống cho mỗi ha trồng dày cũng chỉ cao hơn không quá 1,7 triệu đồng. Như vậy, chi phí đầu tư ban đầu giữa trồng thưa và trồng dày là không lớn” - chị Hường tính toán.

chuyen la trong trong rung san xuat

Người dân xã Kỳ Hoa thu hoạch keo chỉ sau thời gian hơn 4 năm trồng.

Trong quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của người trực tiếp sản xuất, cho rằng: việc rút ngắn thời gian khai thác rừng trồng sẽ giúp tăng chu kỳ sản xuất, kéo theo đó tăng thêm thu nhập. Việc tăng chu kỳ sẽ không ảnh hưởng đến năng suất, doanh thu của một đơn vị diện tích vì nó đã được “bù” do rừng được trồng với mật độ dày.

Anh Nguyễn Ngọc Hòe (xã Kỳ Hoa, Kỳ Anh) chia sẻ: “Gần 5 ha rừng của gia đình tôi mới được trồng hơn 4 năm nhưng nay đã cho khai thác để sắp tới tiến hành trồng mới. Tuy mới trồng nhưng nhờ chất đất tốt nên đường kính đầu ngọn đã đạt mức 6 cm (có thể nhập làm gỗ dăm - PV), sản lượng ước đạt khoảng 100 tấn/ha, giá bán 1.030.000 đồng/tấn. Đối với chúng tôi, việc trồng dày, bán sớm là có lợi về nhiều mặt vì nó vẫn đảm bảo trữ lượng, hạn chế rủi ro do thiên tai, tăng được chu kỳ sản xuất, bớt công chăm sóc...”.

Được biết, lâu nay, việc trồng rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn đang cơ bản lấy tiêu chuẩn theo Hướng dẫn 1992 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn các phương thức kỹ thuật trồng rừng 661 để làm tiêu chuẩn mật độ trồng rừng (quy định 1.000-1.600 cây/ha). Ngoài ra, tùy từng chương trình, dự án cụ thể lại có một định mức tiêu chuẩn khác dựa vào địa hình, mục đích trồng rừng, nguồn kinh phí và một số yếu tố khác.

Ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền, định hướng người dân trồng rừng sản xuất áp dụng mật độ như các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư nhưng dường như họ không tuân theo mà cá biệt một số nơi ở Kỳ Anh, người dân đang trồng thử nghiệm 10.000 cây/ha. Thực trạng này chúng tôi cũng rất băn khoăn vì người dân trồng mật độ dày đang phát huy hiệu quả; hơn nữa, việc trồng với mật độ bao nhiêu là quyền của người dân, quản lý nhà nước không có quyền can thiệp sâu vì chi phí trồng và tư liệu sản xuất là của họ. Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm tỉnh triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về mật độ trồng rừng để từ đó xây dựng định mức trồng phù hợp và hiệu quả nhất”.

Ông Trúc cũng nhận định: “Mật độ trồng bao nhiêu tùy thuộc rất nhiều vào việc trồng vì mục đích gì và hiệu quả kinh tế nên người dân trồng rừng với mật độ dày đặc, chu kỳ ngắn hiện đang đúng, hiệu quả vì keo trồng chủ yếu cung cấp làm nguyên liệu băm dăm cho các nhà máy trên địa bàn. Nhưng khoảng dăm năm sau, khi các nhà máy dăm ít đi, gỗ rừng trồng phải có đường kính lớn để đáp ứng yêu cầu chế biến tinh sâu thì thực trạng này sẽ không còn”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast