Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

(Baohatinh.vn) - Kết luận cuộc họp Ban Thường vụ Hà Tĩnh bàn về phương án tổng thể sáp nhập xã chiều 31/5, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Trong mỗi bước đi về sắp xếp đơn vị hành chính phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng và đặt trong định hướng phát triển của tỉnh.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ngành, địa phương cùng dự.

Theo báo cáo phương án sơ bộ, năm 2019 Hà Tĩnh có 81 xã thực hiện sắp xếp. Trong đó, 51/63 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 20 xã liên quan, 10 xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh giảm 47 xã, hình thành 34 xã mới. Có 20 xã mới bảo đảm theo quy định về tiêu chuẩn dân số và diện tích, 12 xã mới chưa đảm bảo theo quy định. Đối với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, đề xuất chưa thực hiện sắp xếp đối với TX Hồng Lĩnh trong giai đoạn 2019 - 2021.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo sơ bộ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã Hà Tĩnh năm 2019.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm: Kiến nghị tỉnh sớm “chốt” thời gian, phương án để huyện đi vào triển khai thực hiện.

Về đội ngũ cán bộ, công chức hiện có 1.549 người. Nếu bố trí theo Nghị định số 34 của Chính phủ, 34 xã mới hình thành là 676 người; số dôi dư sau sắp xếp là 873 người. Số người hoạt động không chuyên trách cấp xã hiện có 648 người.

Số dự kiến bố trí theo quy định tại Kết luận 92 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với 34 xã mới hình thành là 272 người, số dự kiến dôi dư sau sắp xếp là 376 người.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang phát biểu về nội dung sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp xã

Tại cuộc họp, đại biểu cơ bản nhất trí với phương án đưa ra; thảo luận những nội dung liên quan đến những tồn tại, khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã như: Cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế; khó khăn trong kết nối, liên thông giữa một số thôn, tổ dân phố; việc bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cho xã mới; phương án đối với số lượng cán bộ, công chức dôi dư...

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Cần chủ động xây dựng phương án 2, nếu trong trường hợp đề xuất của tỉnh về việc không sắp xếp TX Hồng Lĩnh giai đoạn 2019 - 2021 không được Trung ương chấp thuận.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Cần điều tra dư luận xã hội học về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để có thêm thông tin đa chiều.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, đối với TX Hồng Lĩnh, cần bổ sung các yếu tố giải trình để bảo vệ đề xuất chưa thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021. Đồng thời tiếp tục nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, nhân dân đối với các nội dung liên quan đến sắp xếp.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Việc xây dựng bố trí cán bộ phải bám sát các quy định; đảm bảo tận dụng tối đa các cơ sở vật chất vốn có; chú trọng xin ý kiến nhân dân về đặt tên cho xã mới hình thành...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là nội dung quan trọng, có tác động to lớn đến tiến trình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội địa phương, đến tâm lý của nhân dân. Vì vậy, trong mỗi bước đi phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng và đặt trong định hướng phát triển của tỉnh.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải triển khai chắc chắn, cẩn trọng

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá cao các ý kiến góp ý, đề xuất phương án của các đại biểu.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan cần xây dựng quy định khung về sắp xếp tổ chức bộ máy, quy trình bố trí cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư ở đơn vị hành chính cấp xã khi thực hiện sắp xếp, trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ. Bên cạnh đó, tính toán xây dựng khung ngân sách; rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế các quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; xây dựng lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đến năm 2025...

Đồng thời, tập trung vào giải trình các yếu tố liên quan đến 14 xã mới hình thành chưa đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lý giải về việc 11 xã chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021...

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast