Chất vấn Bộ trưởng TN&MT về quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản

Tiếp tục phiên chất vấn của phiên họp thứ 20, chiều nay (20/8), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn quanh việc quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

>> Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn việc tham mưu, thẩm định văn bản pháp luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn. Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Tiến Dũng chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, nhất là đã đưa ra được các giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: Chinhphu.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, nhất là đã đưa ra được các giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã trả lời về chất vấn về: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, kết quả triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Tính đến ngày 30/6, cả nước đã cấp được 36 triệu Giấy chứng nhận QSDĐ với tổng diện tích hơn 20 triệu ha, đạt 83,2%. Mục tiêu đến hết năm nay, cả nước cơ bản hoàn thành việc cấp giấy CNQSDĐ lần đầu (đạt 95% số trường hợp đủ điều kiện hoặc đạt 85% diện tích cần cấp).

Trước tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có chiều hướng gia tăng, Bộ TN&MT đã chỉ đạo, đôn đốc và triển khai quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến hết tháng 6/2013 có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích 128.033 ha; đã thu hồi đất của 819 tổ chức với diện tích 38.771ha; đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654 ha.

Việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai có nhiều chuyển biến tích cực, Bộ TN&MT đặc biệt quan tâm, phối hợp với các địa phương giải quyết tốt nhưng vì nhiều nguyên nhân, vẫn có các vụ việc tồn đọng, vượt cấp, kéo dài. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản đã được Bộ TN&MT tập trung chú trọng, chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh

Chất vấn trực tiếp tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang một số nội dung liên quan đến: tiến độ cấp Giấy CNQSDĐ vẫn chậm, cơ sở dữ liệu chưa chính xác; bất cập trong định giá đất đai; việc cấp phép khai thác tràn lan và tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản vẫn xảy ra nhiều nơi; giải pháp ngăn chặn tình trạng xuất khẩu cát và các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm của Bộ trưởng trong giải quyết khiếu kiện, khiếu nại về đất đai… Đặc biệt, nhiều đại biểu chất vấn: có hay không tiêu cực, tham ô, tham nhũng trên lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm, giải trình một số nội dung, nêu lên những thuận lợi khó khăn và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Các câu chất vấn đều được Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời cụ thể, rõ ràng với tinh thần trách nhiệm cao.

Kết luận phiên chất vấn cả ngày 20/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao kết quả công tác tham mưu xây dựng thể chế, chỉ đạo điều hành của Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp, ghi nhận việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, nhất là đã đưa ra được các giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Qua phiên chất vấn này cũng đã làm rõ một số bất cập của thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực đặc biệt quan trọng này và những lỗ hổng pháp lý, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các Bộ, ngành phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Sau phiên họp này, những vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast