Vũ Quang tháo dỡ các xưởng cưa gỗ trái phép, góp phần bảo vệ rừng

Lâu nay, huyện miền núi Vũ Quang có hàng chục xưởng xẻ, chế biến lâm sản. Sự ra đời của các xưởng cưa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc cưa xẻ gỗ, đóng các vật dụng, làm nhà cửa… nhưng cũng là nghề bị lợi dụng để phục vụ hoạt động buôn bán, cưa xẻ gỗ lậu.

Để tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện phát triển theo quy họach, với sự kiểm soát chặt chẽ và góp phần quản lý bảo vệ rừng bền vững, vừa qua, huyện Vũ Quang đã buộc các cơ sở chế biến lâm sản không có giấy phép, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo các tiêu chí phải tháo dỡ.

Lực lượng kiểm lâm cùng với gia đình anh Trần Văn Linh ở thôn 3 xã Hương Thọ (Vũ Quang) tháo dỡ xưởng cưa không nằm trong quy hoạch

Lực lượng kiểm lâm cùng với gia đình anh Trần Văn Linh ở thôn 3 xã Hương Thọ (Vũ Quang) tháo dỡ xưởng cưa không nằm trong quy hoạch

Cơ sở chế biên gỗ của đình anh Trần Sỹ Việt ở thôn 5 xã Sơn Thọ (Vũ Quang) là một trong 5 hộ ở địa phương buộc phải tháo dỡ xưởng cưa trong đợt này đã chấp hành một cách nghiêm túc. Đang tháo những máy móc, nhà xưởng, anh Việt nói: “Nhà tôi ở gần rừng, bên cạnh đó ở đây đất đai rộng lớn nên nhiều gia đình trong xóm trồng cây lâm nghiệp khi làm nhà cửa, các đồ dùng trong gia đình cần cưa xẻ mình phục vụ họ. Đây là nơi làm ăn của gia đình bao năm nay, giờ phải dỡ bỏ cũng tiếc lắm nhưng khi có chủ trương của tỉnh, của huyện nên gia đình thực hiện. Sắp tới chắc nhà tôi sẽ chuyển đổi sang việc khác phù hợp hơn, hay khi nào được cấp phép sẽ làm lại”.

Cũng như anh Trần Sỹ Việt, gia đình anh Trần Văn Linh thôn 3 xã Hương Thọ (Vũ Quang) cũng phải tháo dỡ xưởng cưa trong đợt này. Anh Linh cho biết: “Nhà tôi vừa mới đầu tư cả trăm triệu đồng mua máy móc, dựng xưởng để cưa gỗ phục vụ chuyển đổi rừng thông. Tuy vậy, sau khi có quyết định của tỉnh, quán triệt của huyện tôi đã huy động nhân công tháo dỡ máy móc, đồng thời ký cam kết không tái cưa xẻ khi chưa có đầy đủ các giấy phép theo quy định”.

Được biết, trước khi tháo dỡ ở huyện Vũ Quang có 38 cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Một điều nhận thấy là phần lớn xưởng cưa này được dựng lên đều nằm trên trục đường Hồ Chí Minh và giáp ranh với Vườn Quốc gia Vũ Quang. Do các xưởng cưa có vị trí khá thuận lợi trong tìm kiếm, vận chuyển nguồn gỗ nên đã có không ít cơ sở lén lút cưa xẻ và chế biên gỗ lậu.

Ông Nguyễn Văn Minh – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Vũ Quang cho biết, trên địa bàn toàn huyện hiện có 21 cơ sở chế biến lâm sản không năm trong quy họach buộc phải tháo dỡ, trong đó có 2 cơ sở đã có giấy phép đăng ký kinh doanh phải tổ chức thu hồi do nay không phù hợp với quy hoạch phát triển chế biến lâm sản của tỉnh. Chúng tôi quyết tâm thực hiện đúng theo quy định và coi đây là điều kiện thuận lợi để huyện lập lại trật tự hoạt động chế biến lâm sản, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Hạt kiểm lâm huyện đã triển khai tuyên truyền, tổ chức ký cam kết, buộc phải tháo dỡ tất cả cơ sở chế biến không có giấy phép, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo các tiêu chí quy định. Ngoài ra, sẽ sắp xếp lại 17 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 10 cơ sở cưa xẻ, 7 cơ sở mộc dân dụng và cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới cho các cơ sở dựa trên quy hoạch phát triển chế biến lâm sản của tỉnh giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt. Quản lý chặt chẽ, duy trì chế độ kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản về nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, lưu thông lâm sản đúng pháp luật. Đảm bảo lâm sản phải có nguồn gốc hợp pháp, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Việc thực hiện nghiêm các quy định trong chế biến lâm sản ở huyện Vũ Quang sẽ góp phần kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng. Mặt khác sẽ là điều kiện tốt để chuyển đổi từ chế biến nhỏ lẻ sang sản xuất chế biến tập trung, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của huyện miền núi, đảm bảo môi sinh môi trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast