Sơn Lộc đón Bằng công nhận 4 cây Di sản Việt Nam

Trong khuôn viên Trường Tiểu học Sơn Lộc thuộc xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc có 4 cây cổ thụ lạ và quý mà nhân dân nơi đây gọi là cây Lậy Cầy. Ngày 24 tháng 8 năm 2012, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có Quyết định công nhận cụm 4 cây Lậy Cầy này là Cây Di sản Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, sáng ngày 20/11/2012, xã Sơn Lộc đã tổ chức vinh danh và đón Bằng công nhận Cây Di sản đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam.

Đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản

Đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản

Được sự ủy quyền của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thiều, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học kĩ thuật Hà Tĩnh đã đến dự, công bố Quyết định và trao Bằng công nhận cụm 4 cây Kơ nia Di sản cho địa phương.

Đại biểu, giáo viên và người dân chụp ảnh lưu niệm bên Cây Di sản hàng trăm năm tuổi

Đại biểu, giáo viên và người dân chụp ảnh lưu niệm bên Cây Di sản hàng trăm năm tuổi

Lễ đón Bằng công nhận cây Di sản được tổ chức tại Hội trường lớn UBND xã Sơn Lộc, sau đó tổ chức rước bằng về trường tiểu học và hoàn tất công việc bằng lễ gắn biển cây di sản.

Một điều lạ là cho đến nay nhân dân địa phương và các nhà khoa học chưa biết và lí giải được cây Kơ nia có mặt ở mảnh đất miền Trung này từ khi nào và vì sao lại chỉ duy nhất ở xã Sơn Lộc mới có loài cây này. Hàng trăm năm qua, mỗi năm 4 cây Kơ nia này cho hàng vạn quả nhưng đầu năm 2012 mới chỉ mọc duy nhất 1 cây con. Nhà trường đã bảo vệ nghiêm ngặt, cây con phát triển tốt. Ngày 19/11/2012, đại diện địa phương và nhà trường đã tổ chức trồng lưu niệm tại Khu di tích Xô viết Nghệ Tĩnh tại ngã ba Nghèn huyện Can Lộc.

Cây Lậy Cầy non được đêm đến trồng tại Khu di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh (Ngã Ba Nghèn - Can Lộc)

Cây Lậy Cầy non được đêm đến trồng tại Khu di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh (Ngã Ba Nghèn - Can Lộc)

Việc công nhận và tổ chức vinh danh cây Di sản có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen, nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống; lại càng thêm có ý nghĩa khi những cây Di sản có mặt trong khuôn viên một nhà trường. Bao thế hệ người dân, giáo viên và học sinh Sơn Lộc đã xem cây Lậy Cầy này như là biểu tượng niềm tự hào về quê hương về tình thầy trò.

Cây Lậy Cầy có tên khoa học là Irvingia malayana Oliv. Ex A. Benn, tên phổ thông theo cách gọi của đồng bào Tây Nguyên là cây Kơ nia.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast