Hà Tĩnh kiên cường giữ vững mạch máu giao thông

(Baohatinh.vn) - Đất Hà Tĩnh kiên trung, người Hà Tĩnh anh hùng, bao đời nay đã lưu danh sử sách. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biết bao bến phà, ngả đường và cây cầu đã trở thành địa chỉ đỏ. Cũng trên mặt trận giao thông ấy, những con người bình dị đã hóa anh hùng thời đại. Và cứ mỗi mùa kỷ niệm ngày thống nhất non sông, dư âm những trận chiến oai hùng ấy lại thắp lửa trong tâm tư thế hệ trẻ…

40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

>> Huyền thoại Truông Bồn

Một thời mưa bom, đạn dội

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “khúc ruột” Hà Tĩnh gánh trên vai trọng trách “tiền tuyến của hậu phương miền Bắc và hậu phương của tiền tuyến miền Nam”. Từ năm 1964-1973, quân và dân Hà Tĩnh kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nhằm bảo vệ miền Bắc XHCN, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.

Hà Tĩnh kiên cường giữ vững mạch máu giao thông ảnh 1

Ngã ba Đồng Lộc - nơi ghi dấu những trận đánh oai hùng của lực lượng GTVT trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Phà Bến Thủy vượt sông Lam là một trong những điểm trung chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, từ năm 1964 trở đi, bị máy bay Mỹ liên tục đánh phá. Địch kéo dài lối đánh bất ngờ, đánh tập kích nhiều hướng, không ngày nào, tháng nào trong năm 1965, phà Bến Thủy không bị đánh phá. Năm 1966, phà Bến Thủy bị đánh nhiều trận ác liệt hơn, trận này tiếp trận kia, vùng trời phà Bến Thủy trở nên nóng bỏng bởi đạn bom của giặc. Trong suốt những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đội công nhân - tự vệ phà Bến Thủy đã lập nên kỳ tích: 100 cán bộ, công nhân - tự vệ phối hợp toàn diện, trong ngoài, trên dưới. Đặc biệt, phối hợp cùng bộ đội hải quân và các đơn vị pháo cao xạ vừa tổ chức đánh máy bay địch, vừa tổ chức vượt sông nên dù tình huống phức tạp đến đâu, họ đều vượt qua.

Người dân Hà Tĩnh và cả nước hôm nay không thể quên làng K130. Tuyến đường chính bị giặc Mỹ đánh hỏng, xe tắc, khắc phục rất khó khăn, trong lúc có rất nhiều chuyến xe đang nằm chờ đường thông. Cấp trên đề nghị mở một tuyến đường tránh gọi là đường xế để xe qua phà, vượt sông tránh quốc lộ 1A (đoạn từ cầu Cổ Ngựa đến cầu Già). Tuyến đường này chạy qua làng Hạ Lội (xã Tiến Lộc), vì vậy, phải dời nhà dân để làm đường... Ngay trong đêm, 130 căn nhà trong làng đã được tháo dỡ, lấy gỗ làm vật liệu lót đường cho xe qua. Đoạn đường dài 1,2 km chạy qua ruộng, vườn canh tác lầy lội, chỉ trong một đêm, những người nông dân ở đây tự nguyện chặt tre, vác gỗ nhà mình và chuyển hàng trăm tấm phên xuống làm đường, mố cầu thông tuyến. Đặc biệt, hình ảnh cụ bà nghèo khổ Đinh Thị Trí hiến cả cỗ hậu sự để lát đường trở thành biểu tượng về tinh thần yêu nước của nhân dân Can Lộc.

Nằm trên tuyến đường Trường Sơn nối liền từ Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, phà Địa Lợi đã trở thành túi đựng bom, tọa độ lửa của không lực Hoa Kỳ. Từ năm 1965-1972, Mỹ đã ném xuống nơi đây hàng chục ngàn tấn bom. Để đảm bảo an toàn, thông suốt cho tuyến đường huyết mạch, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, bộ đội công binh, TNXP Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, dân quân tự vệ, công an và nhân dân huyện Hương Khê đã được huy động về đây bảo vệ phà Địa Lợi.

“Giao thông là mạch máu của mọi việc”

Nhà thơ Huy Cận từng viết: Máu qua tim máu lọc, xe qua Ngã Ba xốc tới miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc - nơi được coi là yết hầu, vượt qua được, các đoàn xe sẽ phân tán qua nhiều tuyến đường đi vào miền Nam nên trở thành điểm đánh phá ác liệt nhất của địch và cũng chính là nơi làm nên chiến công chói lọi nhất trên mặt trận GTVT. Tháng 4/1968, địch bắt đầu chiến dịch đánh phá Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 10/5/1968, Ban Giải tỏa Đồng Lộc của Ty Giao thông Hà Tĩnh được thành lập gồm lực lượng chủ lực của Ty Giao thông, TNXP và một số lực lượng khác nhằm đảm bảo giao thông tại vị trí trọng điểm này.

Từ tháng 4 - 10/1968, máy bay địch đã đánh vào Đồng Lộc 1.863 lần với trên 42.990 quả bom các loại. Địch đánh cả ngày lẫn đêm, khiến Đồng Lộc trở thành chảo lửa. Cũng từ Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại này đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, thông minh và sáng tạo như các anh hùng Vương Đình Nhỏ, La Thị Tám, Uông Xuân Lý, Võ Triều Chung… và đặc biệt là 10 nữ anh hùng tiểu đội 4 TNXP. Họ đã tạo nên biểu tượng bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Hà Tĩnh kiên cường giữ vững mạch máu giao thông ảnh 2

Từ tháng 4 - 10/1968, máy bay địch đã đánh vào Đồng Lộc 1.863 lần với trên 42.990 quả bom các loại.

Bà Thái Thị Cương – nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng đội phó Tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh nhớ lại: “Những năm tháng chiến đấu tại đây là những năm tháng đẹp nhất của tuổi xuân thế hệ chúng tôi. Trong mọi nhiệm vụ chiến đấu để bảo đảm giao thông thông suốt, chúng tôi luôn nhớ tới lời Bác Hồ: “Giao thông là mạch máu của mọi việc. Giao thông tắc thì việc gì cũng tắc. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng”. Nhiều đồng đội của chúng tôi đã hy sinh anh dũng. Giờ đây, phong cảnh Đồng Lộc đã đổi khác nhưng trong ký ức sâu thẳm của tôi vẫn mồn một từng nẻo đường tôi và đồng đội đã đi qua và chiến đấu quả cảm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

Nối mạch văn hóa - kinh tế trong thời bình

Chiến tranh đã lùi xa hàng mấy thập kỷ và gương mặt quê hương đã bừng lên sức sống mới. Những bến phà, con đường lứa tuổi 20 năm nào đạn bom cày xới, thiên tai phá hỏng nay đã được bắc cầu, đổ nhựa, đổ bê tông vững chắc. Giờ đây, đi qua Bến Thủy với cảnh quan thơ mộng, hữu tình, ít ai biết rằng, mặt nước phẳng lặng kia đã cùng quân dân Hà Tĩnh hứng chịu bao nhiêu trận mưa bom của giặc Mỹ. Tại đây, Nhà nước đã xây dựng 2 cây cầu giúp xe cộ từ Nam ra Bắc, từ Việt Nam sang Lào lưu thông thuận lợi. Không chỉ có thế, những cây cầu này còn bắc nhịp nối liền các vùng đất văn hóa. Theo đó, mối đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế Việt - Lào ngày càng bền chặt.

Hà Tĩnh kiên cường giữ vững mạch máu giao thông ảnh 3

Hệ thống giao thông quốc lộ 1 đoạn qua Hà Tĩnh được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh. Ảnh: Sỹ Ngọ

Từ Đồng Lộc, đường tỏa đi muôn nhánh. Đường ra Đức Thọ, đường ngược Hương Khê, đường về thành phố, nẻo nào cũng khang trang, tạo thuận lợi cho bà con bốn phương trong việc lưu thông từ vùng này qua vùng khác. Nhờ đó, nông sản làm ra được trao đổi thuận lợi hơn. Người Hương Khê có thể được thưởng thức những đặc sản của Can Lộc, Đức Thọ; người thành phố cũng dễ dàng hơn trong việc mua các nông sản từ các vùng quê này.

Ngày nay, từ quốc lộ 8A, 1A hay đường Hồ Chí Minh, du khách cũng có thể đến Ngã ba Đồng Lộc. Hơn thế nữa, còn có thể thăm các địa danh lịch sử như phà Bến Thủy, khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, phà Địa Lợi, phà Linh Cảm, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú bên bến Tam Soa, ghé làng K130. Từ Đồng Lộc, du khách cũng có thể xuôi vào phía Nam tắm biển Thiên Cầm, thăm Khu kinh tế Vũng Áng, ngắm cảnh Đèo Ngang…

Những ngả đường chằng chịt hố bom, những bến phà, ngầm cầu hiểm nguy năm nào có thể bị thời gian phủ lấp, xóa nhòa, nhưng trong tâm trí những người từng chiến đấu bảo vệ những cung đường này, hình ảnh những năm tháng chiến tranh đã trở thành cuốn phim âm bản. Và những chiến công trên mặt trận GTVT ở Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử của dân tộc bằng những nét khắc họa oai hùng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast