Từ 14/2, mua vàng phải khai báo thông tin cá nhân

Từ ngày 14/2, khi mua bán vàng có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, người dân phải để lại thông tin cá nhân, trong đó có số chứng minh thư, địa chỉ cư trú...

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 35, hướng dẫn thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền. Thông tư gồm 12 Điều, quy định về đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro; thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; nội dung, hình thức các báo cáo: giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố; mức giá trị của kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2014.

Một trong những nội dung mới của Thông tư 35 là việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải để lại thông tin cá nhân khi mua, bán vàng.

Cụ thể, từ ngày 14/2 khi Thông tư có hiệu lực, giao dịch vàng có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo với cơ quan phòng chống rửa tiền thông tin về khách hàng.

Giao dịch vàng có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo

Giao dịch vàng có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo

Trước đó, hồi tháng 10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; trong đó quy định rõ các trường hợp phải áp dụng biện pháp nhận biết khách hàng (Nghị định chính thức có hiệu lực từ 10/10/2013).

Nghị định yêu cầu các tổ chức tài chính phải có thông tin đối với những khách hàng giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn từ 300 triệu đồng một ngày. Với hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản và sàn giao dịch bất động sản đều phải cung cấp thông tin.

Cũng theo Nghị định, tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino phải tiến hành các biện pháp nhận biết khách hàng đối với giao dịch tài chính có tổng giá trị từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý và đá quý, khi có giao dịch bằng tiền mặt mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày thì cũng phải cung cấp thông tin.

Theo Nghị định, việc cung cấp thông tin để nhận biết khách hàng là cá nhân người Việt Nam gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại.

Đối với khách hàng là cá nhân người nước ngoài, cần nhận biết qua các thông tin: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở Việt Nam.

Thông tin nhận biết khách hàng là tổ chức gồm: Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số điện thoại, số fax; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, đại diện cho tổ chức.

Nghị định cũng nêu rõ, đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch, thông tin nhận dạng bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ; số thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và ở Việt Nam.

Đối với khách hàng cá nhân là người có từ 2 quốc tịch trở lên, ngoài những thông tin quy định trên, đối tượng báo cáo phải thu thập bổ sung thông tin về các quốc tịch, các địa chỉ đăng ký cư trú tại các quốc gia mang quốc tịch.

Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được phép mua bán vàng miếng phải báo cáo giao dịch hàng ngày. Các đầu mối kinh doanh vàng phải tuyệt đối chấp hành quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ, nhất là với các giao dịch có giá trị lớn.

Đinh Bách

Nguồn: VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast