“ Người không cao lớn nhưng ai cũng ngước nhìn"

Trong cuộc đời làm báo, những nhà báo vượt trội lên so với bạn về đồng nghiệp, được độc giả yêu mến, ngoài yếu tố lao động nghiêm túc cần mẫn còn có yếu tố năng khiếu bẩm sinh trời phú. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một trong những hiện tượng ấy. Anh đặc biệt có duyên viết thể loại phóng sự từ khi mới chập chững vào nghề... Cái duyên cuốn hút bạn đọc, theo anh tự bạch, là cả một quá trình rèn luyện từ chữ “Tâm” đến chữ “ Tài”...

“ Người không cao lớn nhưng ai cũng ngước nhìn" ảnh 1
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Tôi biết Huỳnh Dũng Nhân từ năm tám mươi thế kỷ hai mươi, cái thời chúng tôi cùng học khoa báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương đóng tại Cầu Giấy- Hà Nội... Hồi ấy nhà trường có một thư viện khá phong phú đáp ứng cho những sinh viên say mê tìm tòi, tra cứu.. Huỳnh Dũng Nhân và tôi thường hay gặp nhau tại đấy... Thú thật những buổi gặp như thế chỉ chào nhau vài câu xã giao rồi ai ngồi vào bàn nấy...bởi trường này mọi việc đều đi vào kỷ cương : từ chuyện không đưa khách vào trường đến chuyện ngồi thư viện đọc sách không được nói chuyện riêng đều quy định hết sức nghiêm ngặt.. Nhưng Nhân cũng như tôi đều cảm ơn suốt đời lò luyện chính quy này.. Tuy cả nước thời đó thiếu lương thực nghiêm trọng nhiều địa phương phải ăn mì hạt thay cơm, nhưng trường tôi vẫn được ưu ái gạo và mì bột đầy đủ, mọi sinh hoạt văn hoá- thể dục không thiếu thứ gì. Tôi nhớ như in : một buổi Nhân chơi bóng bàn với tụi báo ba, người anh vốn đã nhỏ thó , lúc này mặc áo may ô hiện ra cánh tay gầy nhẵng như rễ dây khoai trông thật đáng thương. Nhưng quả bóng bàn Nhân tung ra cứ vèo vèo như gió với những đường đi bất ngờ khiến đối phương không kịp trở tay... Kết thúc ba hiệp chơi cả ba chàng trai thuộc diện “nở nang cơ bắp”…đều phải cúi đầu chịu thua anh Nhân “ nhí ”. Bạn bè gọi đùa Huỳnh Dũng Nhân là “ Nhân nhí ” cũng không sai bởi anh thời ấy thấp thước nhẹ cân nhất khoá... Nhỏ nhưng tính nhanh nhạy của Nhân được hình thành ngay từ khi rời bụng mẹ.. Dường như anh bao giờ cũng sợ thời gian trôi đi vô vị mà mình không làm được gì. Dường như sống sôi nổi, sống hoà đồng và biết được những điều gì mình cần biết, yêu những gì mình đáng yêu đó là quan niệm của anh với cuộc đời này. Quan niệm đó đã tạo nên một Huỳnh Dũng Nhân đa tài từ thuở còn vai mang khăn quàng đỏ. Nhân có thể làm vai thủ môn bóng đá trên sân cỏ, lại có thể vẽ được những bức tranh đa sắc ngộ nghĩnh, hoặc đóng một vai diễn, chơi đàn ghi ta và hát dân ca vọng cổ, bài hát ru con đồng bằng Nam Bộ hay ngồi lai rai hàng tiếng đồng hồ trên “Con đường bia bọt.”. Có lẽ hồn quê chân thật, đôn hậu, sự ngay thẳng và hào phóng của xứ dừa Bến Tre đã làm nên một phong cách Huỳnh Dũng Nhân.

Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955 cầm tinh con dê, anh thường đùa tếu với bạn bè trong tiệc nhậu “ Mình yên phận làm thân dê, làm dê con chứ không phải dê xồm, dê cụ... Dê con phải biết chạy nhanh chạy khoẻ mới hái được lộc… Nếu trong cuộc đời có em nào đem lòng yêu thì cũng xin trời tha thứ vì tuổi dê mà.. ”. Huỳnh Dũng Nhân ra đời trong một gia đình và họ hàng có tới 8 người theo nghề báo, một nghề đầy gian khổ và nguy hiểm nhưng ai cũng tâm huyết. Cái nôi của gia đình đã dẫn dắt anh thành đạt sau này. Thời chống Mỹ gia đình anh ở Khu tập thể Hàng Trống –Báo Nhân Dân, nơi bố anh làm việc. Huỳnh Dũng Nhân dành được những thuận lợi hơn nhiều trẻ thơ khác, được đọc nhiều sách nhiều báo trong gia đình trí thức. Tuy nhỏ tuổi nhưng Nhân hay tò mò và đọc hết thảy các loại báo chính trị dành cho người lớn.. Những thiên phóng sự dài của Thép Mới, Đỗ Quảng, Trần Đình Vân , ký sự của nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Sinh, Nguyễn Trung Thành … cuốn hút tâm hồn Nhân. Nhân thầm phục những nhà báo nhà văn dũng cảm xông xáo trong bom rơi đạn lạc để làm nên những bài viết, tấm ảnh bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Nhân lúc ấy là một học sinh giỏi toàn diện, anh không mơ ước mình trở thành một kỹ sư, bác sĩ mà mơ ước mình sau này trở thành một nhà báo, đặc biệt hơn anh mơ mình cũng thành một cây viết phóng sự được nhiều người chú ý.

Tôi vốn là người mê đọc sách nên hễ có người nào mình biết, mình quen được in trên sách báo là

ngưỡng mộ và tìm xem bằng được. Tôi đã hiểu được đích xuất phát của Nhân trong sự nghiệp cầm bút bắt đầu từ một bài văn nhỏ được in trong tập sách “ Nối dây cho diều” nhà xuất bản Kim Đồng năm 1968. Về sau khi nhắc lại , Nhân bảo “ Đời không có gì sướng bằng tác phẩm đầu tay của mình được in, bữa ấy nhận nhuận bút còn phải xin thêm tiền mẹ nữa mới đủ đi mua Kem Tràng Tiền để khao bạn bè ..”. Huỳnh Dũng Nhân đã có năng khiếu làm báo ngay từ những chuyến đi thực tập dài ngày do nhà trường tổ chức, trong lúc một số người ở lớp anh viết chưa nổi một gương “ người tốt việc tốt”, thì sinh viên Huỳnh Dũng Nhân đã trình toà soạn những bài viết đầy ắp sự kiện nóng hổi bằng thể loại ghi nhanh, phóng sự... Tôi càng phục Nhân hơn thời điểm năm 1980, khi nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đặt giải thưởng đàn Piano quốc tế, Nhà xuất bản Kim đồng “ngỏ ý” nhờ anh viết một cuốn sách về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Mặc dầu đang phải đối mặt với thi cử nhưng anh nhận lời ngay. Sau nhiều đêm thức trắng cuốn sách “ Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn” ra đời, với dung lượng hơn 100 trang viết không chỉ được biên tập viên khen hay mà còn được nhiều độc giả hồ hởi đón nhận..

Tháng 6 năm 1984 sau khi tốt nghiệp khoa báo chí, Huỳnh Dũng Nhân có trong tay hai bằng đại học chính quy, một bằng khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, một bằng của Trường Tuyên huấn trung ương Hà Nội. Nhưng Huỳnh Dũng Nhân không bao giờ thoả mãn về sự học ấy, anh cho rằng : Từ bằng đại học đến thực tiễn cuộc sống còn cực nhọc và tốn học phí hơn nhiều. Lần đầu tiên vào nghề báo anh làm phóng viên báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh. Vừa chân ướt chân ráo anh đã được toà soạn phân công đi công tác tại Côn Đảo và ba ngày sau phải có bài in. Tiền công tác phí toà soạn cung cấp còn hành trình bằng phương tiện gì để tới đích mình phải tự lo liệu lấy.. Đây là lần thử thách trong đời, nhưng anh đã đi và về rất đúng hẹn.. Bằng sự khiêm tốn chưa biết thì hỏi, hỏi bao nhiêu cũng chẳng thiếu ghi bao nhiêu cũng chẳng thừa. Vừa hỏi những người có trách nhiệm cung cấp thông tin vừa quan sát kỹ những hiện vật tra tấn những người cộng sản bị giam cầm tra tấn trong nhà lao, chuồng cọp tự nhiên Nhân bật khóc.. Chuyến đi ấy đã giúp Nhân hiểu được trái tim yêu nước của người tử tù, hiểu được thế nào là nghĩa địa hàng dương nơi chị Võ Thị Sáu đang nằm, hiểu được sức vươn Côn Đảo hiện tại để đến khi ngồi vào bàn viết rân rân sức nóng từng con chữ..

“ Người không cao lớn nhưng ai cũng ngước nhìn" ảnh 3

Hơn 5 năm làm phóng viên báo Tuổi Trẻ đã giúp anh thành công và có tính chuyên nghiệp hơn trong thể loại phóng sự. Không chỉ người săn tin tức là phải nhanh nhạy, cần cù, chịu khó mà thể tài phóng sự cũng thế. Những lần được mời làm giảng viên dạy cho khoa báo chí Trường Đại học Xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh, Huỳnh Dũng Nhân không nghiêng về lý luận mà hướng cho sinh viên những kinh nghiệm của mình trong khi chọn đề tài để viết.. Đã nhiều lần Huỳnh Dũng Nhân kể cho các sinh viên nghe chuyện anh đi viết phóng sự dài kỳ “ Voi ơi ta bảo voi này..” Để được bạn đọc vui với những chi tiết khá dí dỏm trong bài, Huỳnh Dũng Nhân đã cùng với cán bộ kiểm lâm Tây Nguyên mất 2 ngày ăn ngủ giữa rừng sâu. Có những lúc anh phải bò lê từng bước một trên một tảng đá tai mèo lởm chởm, có lúc phải cởi cả quần áo để bơi qua suối sâu. Sên vắt bám đầy nách và đốt máu đỏ lòm, Nhân chả sợ. Nhân chỉ lo nhất sổ tay ghi chép và chiếc máy ảnh “chụp về voi” bị ướt.. Nhưng trời đã phù hộ anh, rừng Tây Nguyên hôm ấy không đổ mưa chiều, đề tài voi rừng ra bản chưa có phóng viên nào khai thác.

Năm 1991 Báo Lao Động đã có cuộc cách mạng về nội dung và hình thức, với mục đích tờ báo không thể khô khan nhàm chán theo “đường ray” cũ. Đổi mới tất yếu phải có lực lượng mới, Nhà báo Chánh Trinh, Nhà báo Trần Trọng Thức được báo Lao Động mời làm cố vấn. Huỳnh Dũng Nhân, Ngô Hoàng Giang, Kim Phi, Nậm Thi thể theo nguyện vọng của Báo Lao động từ báo Tuổi Trẻ chuyển sang làm phóng viên đại diện cho khu vực các tỉnh phía Nam. Thời kỳ này là thời kỳ hây hây sức viết, sức đi của Huỳnh Dũng Nhân và hây hây sức đón nhận độc giả của Báo Lao động. Các đại lý bán báo từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang đến Thành Phố Hồ Chí Minh sáng nào cũng có khách tìm mua báo Lao Động. Người ta chờ đợi từng bài viết đấu tranh chống tiêu cực nảy lữa, chờ đợi từng bức tranh đầy tính khôi hài của hoạ sĩ Choé, từng chuyện “Nói hay đừng” của Lý Sinh Sự và chờ đợi phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân. Được bạn đọc ái mộ, từ ông có học hàm tiến sĩ đến bác đạp xích lô đều biết tên tuổi mình, Huỳnh Dũng Nhân xem đó là phần thưởng lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất với người cầm bút.

Không phụ lòng tin với đọc giả, Huỳnh Dũng Nhân đã dốc hết bầu nhiệt huyết của mình cho thể loại phóng sự trên Báo Lao động suốt 15 năm đằng đẵng. Mười lăm năm ấy Nhân đã cùng với đồng nghiệp ngồi xe máy ba lần đi xuyên Việt. Không mảnh đất nào anh không qua, không vùng quê nào anh không tới. Từ phóng sự “ Chuyện ít ai để ý” ở Cần Thơ đến lên “Mù căng chải ăn măng” ở Cao Bằng .. Người ta thấy cái quan sát của Huỳnh Dũng Nhân cũng tinh tế như quan sát của cụ Nguyễn Tuân, chỉ khác là Nhân không bắt chước theo văn phong cụ mà thể hiện lối đi riêng của mình bằng ngôn ngữ dung dị nhất nhưng đọc lên thấm đẫm tính nhân văn, đau đáu với những nhân vật mà anh khắc hoạ.. Có lẽ nhờ kỹ năng giao tiếp tốt nên ở môi trường nào, hoàn cảnh nào anh cũng khám phá và khai thác sâu những điều xã hội quan tâm..Trong nhiều bài phóng sự của Nhân đăng trên báo Lao Động có hai bài viết “ Người đẹp trên mây” và “Kính thưa ô sin” tôi khâm phục thấy Nhân thực sự tài hoa từ chọn đề tài, đến bố cục, kết cấu bài, phong cách thể hiện.

“ Người không cao lớn nhưng ai cũng ngước nhìn" ảnh 4

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chụp hình lưu niệm cùng các CTV của tạp chí Nghề Báo

Sự khát vọng của mỗi con người thì vô hạn, nhưng trong cuộc đời dễ mấy ai suôn sẻ?. Huỳnh Dũng Nhân cũng thế. Năm 2005 Huỳnh Dũng Nhân bị viêm đường ruột nặng phải đến bệnh viện Sài Gòn phẫu thuật. Sức khoẻ xuống cấp, làm Huỳnh Dũng Nhân buồn phải dừng cuộc chơi “ phóng sự ” và Báo Lao Động cũng kém vui khi Huỳnh Dũng Nhân chuyển sang làm Tổng biên tập tạp chí Nghề báo Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy không làm phóng viên nữa nhưng người ta vẫn khâm phục anh sôi nổi yêu, sôi nổi sống và quên đi tuổi tác quên đi bệnh tật. Anh bây giờg quan tâm truyền kinh nghiệm nghề cho sinh viên, cho những nhà báo trẻ. Anh đã dành thời gian để cho ra đời cuốn cẩm nang về phóng sự, giúp cho những ai đam mê nghề sẽ có những kinh nghiệm và lời khuyên thể tài này.

Huỳnh Dũng Nhân không chỉ nhà báo còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận báo chí. Với 15 cuốn sách đã xuất bản đánh dấu một niềm đam mê, một sự lao động nghiêm túc của “ Người không cao lớn nhưng ai cũng ngước nhìn ”

10- 2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast