Ngành y tế khuyến cáo người dân vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày

(Baohatinh.vn) - Cùng với tầm soát, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, thời gian qua, ngành y tế Hà Tĩnh đẩy mạnh việc tuyên truyền người dân tăng cường hoạt động thể lực, nhất là trẻ nhỏ, người già, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống và điều trị bệnh.

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) không có khả năng lây truyền nhưng thời gian mắc kéo dài, thường là các bệnh mạn tính. Những người mắc các bệnh không lây nhiễm thường phải điều trị suốt đời. Nếu không được chăm sóc, kiểm soát tốt thì có thể xảy ra nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng.

Ngành y tế khuyến cáo người dân vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày

Hà Tĩnh hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động tăng cường thể lực.

Theo số liệu từ ngành y tế, Hà Tĩnh mỗi năm quản lý và điều trị gần 90.000 bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm; trong đó, nhóm bệnh tim mạch chiếm khoảng 17%, đái tháo đường chiếm 5%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hơn 4%. Bệnh không lây nhiễm tại Hà Tĩnh đang là thách thức đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Để phòng chống và điều trị có hiệu quả với BKLN, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai các biện pháp để tầm soát, phát hiện, dự phòng và quản lý điều trị các bệnh BKLN từ tỉnh đến tận cơ sở như: Tổ chức đo huyết áp, khám, xét nghiệm sàng lọc bệnh đái tháo đường; triển khai quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại 110 trạm y tế xã.

Cùng với đó, ngành còn triển khai việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khỏe mạnh và tuyên truyền tăng cường hoạt động thể lực cho cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế, việc đẩy mạnh hoạt động thể lực kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị và phòng, chống BKLN.

Ngành y tế khuyến cáo người dân vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày

Ngành Y tế đang tập trung tuyên truyền cộng đồng đẩy mạnh phong trào vận động thể lực, TDTT nâng cao thể chất.

Bác sỹ Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Mỗi người nên vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, duy trì tối thiểu 5 ngày mỗi tuần. Đây là điều kiện để phòng chống các bệnh không lây nhiễm như: Béo phì, ung thư, tim mạch, đái tháo đường".

Vận động thể lực đều đặn và thường xuyên cũng giúp nâng cao sức miễn dịch cho cơ thể và giúp ngăn ngừa các bệnh về hệ tuần hoàn, đái tháo đường tuýp 2, béo phì... Ngoài ra, vận động thể lực còn có tác dụng nâng cao sức khỏe tinh thần, giúp ngăn chặn trầm cảm, nâng cao tinh thần lạc quan.

Có nhiều hình thức vận động thể lực khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, điều kiện và sở thích để chọn ra cách vận động phù hợp. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người bình thường nên đi bộ ít nhất 10.000 bước chân mỗi ngày để phòng chống bệnh tật.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hàng năm, Việt Nam có khoảng 400.000 người chết vì BKLN, chiếm 70% các trường hợp tử vong. Nguyên nhân của BKLN được xác định là do ô nhiễm môi trường, đô thị hóa; hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn mất cân bằng dinh dưỡng và đặc biệt là lười hoạt động thể lực.

Để hoạt động phòng, chống và điều trị BKLN được triển khai hiệu quả, vừa qua, Bộ Y tế đã phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục đích xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Chương trình cũng đã phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày để vận động, khuyến khích, hỗ trợ cho người dân tham gia và duy trì thói quen vận động thể lực bằng hình thức đi bộ.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast