Ngày xưa cát bạc, ngày nay tôm vàng...

Với mục tiêu, đưa nghề NTTS phát triển theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm sản xuất và ổn định đời sống nhân dân, sau 10 năm triển khai, Chương trình phát triển NTTS giai đoạn 2000 - 2010 (gọi tắt là chương trình 224) đã hiện thực hóa ước mơ của hàng ngàn hộ dân Hà Tĩnh khi chuyển đổi trên 3.000 ha diện tích đất hoang hóa, bãi bồi ven sông, đầm lầy... thành những cánh đồng nuôi thủy sản giá trị kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và ngành nghề nông thôn.

Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ đến năm 2010 là 130 tỷ đồng, ngành Thủy sản cũ (nay là NN&PTNT) đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành 75 dự án xây dựng hệ thống đê bao, cống chính các vùng NTTS tập trung và các chương trình KH&CN, khuyến ngư, kiểm soát môi trường và quản lý dịch bệnh.

Thu hoạch tôm trên vùng nuôi được chương trình đầu tư tại xã Kỳ Thọ (Kỳ Anh)

Thu hoạch tôm trên vùng nuôi được chương trình đầu tư

tại xã Kỳ Thọ (Kỳ Anh)

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương đã khuyến khích, kêu gọi các hộ dân đầu tư gần 500 tỷ đồng để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các vùng nuôi.

Thống kê của ngành NN&PTNT cho thấy, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 3.000 ha diện tích được chuyển đổi sang NTTS, trong đó: từ đất đầm lầy, hoang hóa, bãi bồi ven sông 1.750 ha, đất cát 600 ha, đất làm muối 120 ha, đất trồng cói 20 ha và đất khác 420 ha. Theo đó, có 256 trang trại NTTS có quy mô từ 2 ha trở lên, 20 doanh nghiệp và HTX NTTS được ra đời, kéo theo đó là 26 ngàn lao động đã trực tiếp tham gia làm nghề. Hầu hết các vùng chuyển đổi sang NTTS đều phát huy hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa và làm muối.

Nổi bật trong số các đối tượng NTTS vẫn là tôm khi sản lượng năm 2009 (đạt 2.151 tấn) tăng gấp 10 lần so với năm 2000, năng suất tăng gấp 5 lần (từ 2 tạ/ha lên xấp xỉ 1 tấn/ha); bình quân mỗi vụ các hộ thu trên 60 triệu đồng/ha, cá biệt có nhiều hộ, doanh nghiệp thu từ 300 - 500 triệu đồng/ha.

Cùng với mở rộng diện tích, chương trình 224 còn chú trọng đầu tư 13 đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng 150 mô hình khuyến ngư, góp phần nhân rộng các đối tượng nuôi mới (ba ba, cá chình, cá lóc môi trề, tôm thẻ chân trắng, cá chẽm, vẹm xanh), đồng thời gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm như: đề tài chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo giống ốc hương, đề tài sinh sản tôm sú sạch bệnh, đề tài sinh sản nhân tạo giống cua biển, đề tài nghiên cứu hoàn thiện nuôi cá vược trên sông...

NTTS theo hướng thâm canh mở ra hướng làm giàu mới cho các hộ dân
NTTS theo hướng thâm canh mở ra hướng làm giàu mới cho các hộ dân

Hệ thống sinh sản, dịch vụ và quản lý chất lượng con giống, thức ăn cũng được chương trình đầu tư, củng cố. Đến nay, tỉnh ta đã có 3 trại sản xuất giống thủy sản mặn - lợ (quy mô mỗi trại từ 10 - 15 triệu post/năm, lượng tôm được sản xuất và ương dưỡng đạt 30 - 40 triệu con/năm), 3 trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt, 40 điểm ương cá giống quy mô hộ (hàng năm ương dưỡng trên 30 triệu con cá bột, 1-2 triệu cá rô phi đơn tính, 100-120 tấn cá giống các loại).

Sự tiếp sức của KH&CN, công tác khuyến ngư, đã giúp các hộ nuôi trồng chủ động đổi mới, đa dạng hóa hình thức nuôi như: nuôi thuần và nuôi xen ghép, nuôi luân canh, nuôi tổng hợp theo phương thức quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh.

10 năm triển khai chương trình cũng là khoảng thời gian mà thời tiết, khí hậu thay đổi, kết hợp với bị động về con giống, nguồn nước, đã làm cho việc kiểm soát môi trường và dịch bệnh của người nuôi trồng trở nên khó khăn hơn.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, chương trình đã hỗ trợ ngành chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng đề án, lên lịch thời vụ vào đầu vụ nuôi, đồng thời tăng cường kiểm tra, phối hợp trong việc cảnh báo môi trường trong suốt quá trình nuôi.

Những khuyến cáo từ khâu cải tạo ao đầm, cấp và xử lý nguồn nước, chọn mua và xử lý giống, quản lý chăm sóc trong quá trình nuôi, sử dụng thức ăn và hóa chất đúng liều lượng... đã từng bước nâng cao nhận thức người dân trong việc nuôi trồng và kịp thời xử lý dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh, mặc dù nguồn vốn đầu tư không lớn nhưng Chương trình 224 đã làm thay đổi diện mạo của nghề NTTS tỉnh nhà; đó vừa là ngoại lực, đồng thời cũng là động lực để huy động nguồn lực trong dân và các tổ chức kinh tế đầu tư phát triển nghề theo hướng sản xuất hàng hóa.

Sau một thập kỷ triển khai chương trình, Hà Tĩnh đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu đề ra với diện tích NTTS đến năm 2010 đạt 7.800 ha (trong đó, nuôi mặn - lợ 2.662 ha, nuôi nước ngọt 5.138 ha), tăng 4.520 ha so với năm 2000; tổng sản lượng NTTS đạt 15 ngàn tấn (nuôi mặn - lợ đạt 6 ngàn tấn, nuôi nước ngọt đạt 9 ngàn tấn), tăng 12.205 tấn so với năm 2000.

Phát huy kết quả đạt được, ngành phấn đấu đến năm 2015, nâng tổng diện tích NTTS lên 8.500 ha (nuôi nước ngọt 5.700 ha, nuôi mặn-lợ 2.800 ha), sản lượng nuôi trồng đạt 19 ngàn tấn (tăng 26,7% so với hiện nay), giá trị sản xuất đạt 620 tỷ đồng (tăng 38% so với năm 2010).

Để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đó, toàn ngành tiếp tục tập trung công tác quy hoạch; đầu tư và tổ chức lại hệ thống sản xuất, ương nuôi giống; tăng cường hợp tác, chuyển giao KH&CN nhằm hoàn thiện quy trình nuôi; kiện toàn, đổi mới công tác khuyến ngư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Dự thảo Báo cáo chính trị BCH Đảng bộ tỉnh Hà TĩnhKhóa XVII - Nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: "Phát triển thủy sản theo hướng cả về chú trọng chất lượng và giá trị, mở rộng diện tích nuôi trồng. Nhân rộng các mô hình nuôi trồng và đánh bắt thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng...", tiếp tục cho thấy nỗ lực của Hà Tĩnh trong việc phát triển nghề NTTS. Song, chỉ nỗ lực của tỉnh, ngành NN&PTNT, các huyện, thành, thị và hàng chục ngàn hộ dân tham gia nuôi trồng là chưa đủ mà còn cần đến sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong việc tiếp tục cho tỉnh triển khai giai đoạn tiếp theo của Chương trình 224, trong đó, nên quan tâm phân vùng để ưu tiên đầu tư thỏa đáng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast