Người đi, tình ở lại

(Baohatinh.vn) - GS, TS Phạm Đức Dương là nhà văn hóa lớn, chuyên gia đầu ngành về Đông Nam Á học đã từ giã chúng ta về cõi vĩnh hằng vào hồi 3h32’, ngày 8/12/2013, hưởng thọ 84 tuổi.

GS-TS Phạm Đức Dương - Ảnh: Ngữ Thiên/Thanh Niên
GS-TS Phạm Đức Dương - Ảnh: Ngữ Thiên/Thanh Niên

GS Phạm Đức Dương sinh ngày 21/10/1930, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, Đức Thọ). Tuổi thơ nghèo đói, ông vừa phải lao động cực nhọc giúp gia đình mưu sinh, vừa cố gắng tìm mọi cách để có cơ hội học tập. Chưa đầy 17 tuổi, ông hăng hái lên đường tòng quân, chiến đấu hơn 10 năm trên đất nước bạn Lào.

Xuất ngũ khi đã gần 30 tuổi, ông cố gắng bổ túc hết chương trình THPT để thi vào học khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959. Với kết quả học tập và nghiên cứu xuất sắc, sau khi tốt nghiệp, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, chuyên ngành ngữ âm tiếng Lào - lĩnh vực mà ông am hiểu sâu sắc trong thời gian chiến đấu trên đất nước bạn. Cơ duyên đó không chỉ đến với ông một lần.

Sau khi bảo vệ thành công luận án PTS Ngôn ngữ học ở Liên Xô, ông về phụ trách phòng Ngữ âm tại Viện Ngôn ngữ vừa mới thành lập. Ba năm sau, năm 1973, khi Ban Nghiên cứu Đông Nam Á được thành lập, ông trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức này. Năm 1984, Ban Đông Nam Á phát triển thành Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ông được cử giữ chức Viện trưởng cho đến năm 1990, đồng thời kiêm chức Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (1990-1994). Sau khi thôi giữ chức Viện trưởng Viện Đông Nam Á, ông thành lập Hội Khoa học Đông Nam Á và được bầu làm Chủ tịch Hội cho đến cuối đời.

Trong vòng 40 năm, GS, TS Phạm Đức Dương đã cống hiến hết mình để xây dựng một ngành khoa học non trẻ, vươn lên trưởng thành vững chắc, đạt được nhiều thành quả lớn lao. Với những cống hiến xuất sắc, năm 1991, ông được Nhà nước phong chức danh GS ngành Ngôn ngữ học. Không chỉ lãnh đạo các cán bộ nghiên cứu của Viện tích cực tác nghiệp, bản thân GS Phạm Đức Dương còn là một nhà nghiên cứu có nhiều thành tựu khoa học đáng nể. Ông đã xuất bản hàng chục giáo trình, chuyên luận giá trị tầm cỡ khu vực và quốc tế; công bố hàng trăm bài báo; tham gia giảng dạy cho nhiều trường đại học lớn trong nước.

Hơn thế, ông còn là cố vấn cho nhiều chương trình hoạt động xã hội bổ ích cho lớp trẻ như Hành trình xanh, hoặc tham vấn, phản biện cho nhiều vấn đề xã hội trên các diễn đàn thông tin đại chúng. Ngoài ra, cho đến lúc từ giã cõi trần, ông còn giữ nhiều chức trách quan trọng như: Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Phương Đông – IOS thuộc SEARAV; Viện trưởng Viện Phát triển ngôn ngữ học – LANGINGS, thuộc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Đông Nam Á; Thành viên UNESCO Việt Nam; Ủy viên Hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh; Chủ tịch Hội đồng khoa học Liên hiệp Hội Khoa học phát triển du lịch bền vững.

GS Phạm Đức Dương ra đi để lại một gia tài vô cùng phong phú với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Nhưng cái lớn nhất là tình yêu quê hương, đất nước; tình cảm chân thành, thắm thiết, đầy sức khích lệ với đồng nghiệp và học trò khắp mọi miền Tổ quốc.

Những năm trước đây, mỗi dịp tết đến, xuân về, ông đều tranh thủ về thăm quê. Ông còn có công việc đang dang dở: viết lại truyện kể về Tổng Bí thư Trần Phú, người đồng hương vĩ đại của ông và biên soạn công trình đồ sộ “Hà Tĩnh, đất nước con người” như một sự tri ân đối với quê hương, xứ sở.

Cuộc đời 84 năm rất đỗi vẻ vang của GS Phạm Đức Dương sẽ là niềm tự hào, sự khích lệ cho các thế hệ sau vươn tới những đỉnh cao trong sự nghiệp CNH-HĐH quê hương, đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast